5 Lời Dạy Của Thầy Viên Minh
Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health
1. Đức tin trong Phật giáo
Đức tin trong Phật giáo không có nghĩa là lòng tin tưởng mù quáng, mà là kết quả của nhận định sáng suốt. Tiến trình đi đến giải thoát của người Phật tử được ví như sự phát triển của một hạt giống.
Trước hết phải có sức mạnh cần thiết để mầm phá vỡ lớp vỏ dày bao phủ bên ngoài và bắt đầu tiến trình phát triển. Sức mạnh tất yếu đó là đức tin.
Kế đến, khi đã thoát ra khỏi vỏ, mầm cây bắt đầu nẩy rễ để giúp thân con đâm cành trổ lá, rễ càng dài càng vững chắc thì thân cây càng mau lớn. Rễ ví như giới, thân cây ví như định và cuối cùng khi đã lớn mạnh, cây mới có thể đơm hoa kết trái.
Hoa ví như tuệ giác ( Đạo Tuệ ) và quả là giác ngộ giải thoát (Quả Tuệ).
2. Hiểu về vô thường, khổ và vô ngã
Chính vô thường, khổ, vô ngã là vẻ đẹp của cuộc đời.
Nếu không thấy đời là vô thường, người ta sẽ chấp giữ những cái đã khô chết của quá khứ, hoặc bám víu vào một quan niệm thường hằng trong ảo tưởng, làm sao sự sống có thể luôn luôn đổi mới từng sát-na?
Nếu không thấy đời là khổ đau, con người sẽ mãi mãi đắm chìm trong lầm lạc và dục vọng, chỉ biết lợi mình hại người, làm sao giải thoát khỏi những tà kiến và tham ái?
Nếu không thấy đời là vô ngã, chiến tranh để giành phần thắng về mình hoặc để chiếm hữu cho riêng mình sẽ không bao giờ chấm dứt.
Chính vô thường, khổ, vô ngã giúp con người giác ngộ giải thoát ra khỏi ảo tưởng tự trói buộc mình, vậy không phải đó là vẻ đẹp của cuộc đời hay sao?
3. Cách thoát khỏi sinh tử
Thật ra, chúng ta đang chết dần từng giây, từng phút, chứ không phải chỉ đến lúc nhắm mắt xuôi tay mới gọi là chết.
Mỗi một điểm nhỏ thời gian (sát-na) trôi qua, chúng ta đã già đi một ít, các tế bào đã bị hủy diệt đi một ít. Nhưng sự biến đổi quá nhanh chóng nên ta không nhận chân ra được.
Bao lâu chúng sinh còn vô minh, ái dục, phiền não, ô nhiễm thì vẫn còn bị chi phối bởi định luật tử sinh. Trái lại Đức Phật đã diệt tận vô minh nên không còn hành, tức không còn tạo tác
Không có hành nên thức không sanh.
Thức không sanh nên danh sắc, tức thân tâm không sanh.
Thân tâm không sanh thì làm sao có lục nhập: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Không có lục nhập thì không có sự xúc chạm.
Không có sự xúc chạm thì không sinh ra cảm giác vui khổ.
Không có vui, khổ thì không có ái, tức không sinh yêu ghét.
Không có yêu ghét thì không có chấp thủ, muốn có, bám víu, giữ chặt…
Không có thủ thì không có hữu, không có sinh, không già, không chết.
Đức Phật không còn vô minh, ái dục…nên đã thoát ra khỏi tử sinh tức Ngài đã chiến thắng được tử thần.
4. Thấy mọi thứ như chúng đang là:
Vì chúng ta thường thấy thực tại qua tướng khái niệm, nên không thấy thực tại tánh chân đế (Ta) ẩn mật đằng sau hiện tượng đó.
Vì vậy, cần phải thường chánh niệm, tỉnh giác (ngày đêm tỉnh thức) mới có thể phát hiện được Sự Thật Tột Cùng. Phật dạy vô ngã vì tất cả đều là Pháp.
Nên phải quy y Pháp, sống thuận Pháp thì mới giác ngộ giải thoát, chứng ngộ Niết bàn, còn khởi lên ý niệm ảo tưởng có ta, người, chúng sinh, kẻ nhận…là bị vô minh ái dục chi phối, thì liền triền miên trong luân hồi sinh tử.
5. Cách vận dụng pháp
Trên đường giác ngộ giải thoát, hành giả phải tùy nghi vận dụng pháp hành sao cho phù hợp với từng lúc, từng điều kiện của thực tại biến ảo vô thường.
Như một vị lương y khi bắt mạch, phải lắng nghe thật kỹ càng từng trường hợp để định bệnh và kê thuốc cho chính xác. Lắng nghe chính mình còn tinh tế hơn nhiều nên không phải lúc nào cũng chỉ áp dụng một pháp môn để ứng xử với mọi tình huống của thực tại được.
Phiền não là pháp, mà pháp là phải thấy ngay, không chờ thời gian, nên hãy trở về mà nhìn lại ngay trong chính nó thì mỗi người sẽ tự thấy, tự biết.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: