TOÀN TẬP VỀ XUẤT TINH NGƯỢC DÒNG
Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health
Ở Anh nghiên cứu trên 12.815 đàn ông 50-80 tuổi, 46% có rối loạn xuất tinh.
Có thể chia rối loạn xuất tinh thành 4 nhóm: xuất tinh sớm, xuất tinh muộn, xuất tinh ngược dòng và không xuất tinh.
Xuất tinh muộn và không xuất tinh chiếm 2.5% ở những bệnh nhân có vấn đề về tình dục. Ở những nam giới độ tuổi hoạt động tình dục, xuất tinh muộn chiếm 4%. Xuất tinh ngược dòng chiếm 75% ở những bệnh nhân có cắt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo.
1. Xuất tinh ngược dòng là gì?
Đường niệu đạo và đường xuất tinh được hợp lưu tại niệu đạo tuyến tiền liệt, tại đó còn gọi là ngã ba niệu-sinh dục.
Xuất tinh là phản xạ phóng tinh ra khỏi niệu đạo khi nam giới đạt cực khoái. Bình thường, tinh dịch sẽ được xuất ra khỏi lỗ niệu đạo ngoài vì khi xuất tinh, cơ vòng bàng quang đóng lại, ngược lại, cơ thắt niệu đạo giãn ra khiến cho tinh dịch không trào ngược vào bàng quang mà được xuất ra ngoài. Sự phối hợp nhịp nhàng của cơ vòng cổ bàng quang và ở niệu đạo giúp tinh dịch không trào vào bàng quang khi xuất tinh.
Xuất tinh ngược dòng là tình trạng tinh dịch trào ngược vào bàng quang do khiếm khuyết cơ chế đóng cổ bàng quang lúc xuất tinh. Trong xuất tinh ngược dòng, người bệnh vẫn đạt được khoái cảm vì vẫn có cảm giác phóng tinh. Vì lẽ đó, sau khi giao hợp, người bệnh sẽ tiểu trắng đục lợn cợn do tinh dịch lẫn với nước tiểu.
Xem thêm: [Sưu Tầm] 9+ Tuyệt Chiêu Kéo Dài Thời Gian Quan Hệ Hiệu Quả
2. Nguyên nhân nam giới bị xuất tinh ngược dòng
Xuất tinh ngược dòng do nhiều nguyên nhân gây ra. Nhìn chung, nguyên nhân của xuất tinh ngược dòng là do thương tổn gây nhiễu loạn các sợi thần kinh giao cảm trung gian vùng cổ bàng quang và vùng cơ thắt tuyến tiền liệt hoặc mất đi cơ chế đóng cổ bàng quang của nhóm cơ tại vị trí này. Thương tổn gây nhiễu loạn này có thể do rối loạn thần kinh hoặc do tác dụng phụ của một số biệt dược.
Nguyên nhân thường gặp:
- Biến chứng tổn thương cơ bàng quang hoặc thần kinh chi phối nhóm cơ này sau các phẫu thuật:
- Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt: bệnh nhân sau khi được cắt tuyến tiền liệt qua ngã niệu đạo có nguy cơ xuất tinh ngược dòng từ 10-15%. Cắt tuyến tiền liệt toàn phần (bất kể do nguyên nhân ung thư hoặc không) đều dẫn đến nguy cơ cao xuất tinh ngược dòng.
- Bất cứ phẫu thuật nào gây sẹo vùng cổ bàng quang đều làm suy yếu chức năng hoạt động của cơ cổ bàng quang dẫn đến xuất ngược dòng, gồm phẫu thuật cắt tiền liệt tuyến qua nội soi niệu đạo.
- Phẫu thuật vùng chậu, đặc biệt các phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt, tinh hoàn, đại trực tràng đều dẫn đến nguy cơ xuất tinh ngược dòng, bao gồm cả phẫu thuật nạo hạch vùng chậu trong điều trị ung thư.
- Phẫu thuật thần kinh tại phần dưới của đốt sống tủy có nguy cơ tổn hại dây thần kinh chi phối nhóm cơ cổ bàng quang, là nguyên nhân của xuất tinh ngược dòng ở nam giới hậu phẫu.
- Hiện nay nhiều phát hiện gợi ý rằng dây thần kinh hạ vị là đường dẫn truyền duy nhất các tín hiệu để đóng cổ bàng quang trong thời điểm xuất tinh. Thương tổn dây thần kinh này cũng có thể gây ra xuất tinh ngược dòng như người bị đa xơ cứng hoặc đái tháo đường không kiểm soát.
- Một số thuốc có tác dụng chẹn giao cảm hoặc cắt đứt giao cảm có thể gây ra xuất tinh ngược dòng vì cổ bàng quang không đủ độ co thắt để khép kín. Các loại thuốc sau có thể gây tác dụng phụ là xuất tinh ngược dòng:
*Thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt: tamsulosin (Flomax), alfuzosin (Uroxatral), hoặc terazosin (Cardura)
*Thuốc điều trị trầm cảm, đặc biệt nhóm thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) như fluoxetine (Prozac), sertraline (Zoloft), Duloxetine
*Thuốc điều trị tâm thần như chlorpromazine (Thorazine), thioridazine (Mellaril) and risperidone (Risperdal).
*Các loại thuốc khác cũng có thể gây tác dụng phụ là xuất tinh ngược dòng như Guanethidine, Methyldopa, Phenoxybenzamine, Prazosin, Bethanidine, Hexamethonium.
3. Triệu chứng xuất tinh ngược dòng
Ở người nam giới khỏe mạnh, bình thường mỗi lần giao hợp thì lượng tinh dịch xuất ra khoảng 2-5 ml. Nếu thể tích tinh dịch ít hơn 1,5 ml hoặc nhiều hơn 5,5 ml thì đều được xem là bất thường.
Ngược lại, bệnh nhân xuất tinh ngược dòng lại không xuất ra tinh dịch khỏi lỗ niệu đạo trong lúc đạt cực khoái dù cảm giác cực khoái vẫn đạt được. Sau giao hợp, người bệnh tiểu lợn cợn trắng đục. Những lần đi tiểu sau đó thì nước tiểu trở về bình thường. Đây là triệu chứng điển hình của xuất tinh ngược dòng.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bệnh không nhận biết được vấn đề xuất tinh và đến khám với tình trạng hiếm muộn lâu năm.
Xuất tinh ngược dòng không ảnh hưởng đến khả năng cương hoặc khả năng đạt cực khoái của người bệnh, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản vì tinh trùng không vào được âm đạo. Tại Hoa Kỳ, xuất tinh ngược dòng chiếm 1% những ca vô sinh ở nam giới.
Dù chiếm số ít nhưng những trường hợp xuất tinh ngược dòng này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu có con của bệnh nhân. Do phát hiện bệnh trễ đã bỏ lỡ “thời gian vàng” có thai cho người vợ.
4. Chẩn đoán
Trong hầu hết trường hợp, xuất tinh ngược dòng được chẩn đoán bởi bác sĩ ngoại niệu, với chuyên môn về rối loạn sinh sản, rối loạn tình dục và các rối loạn đường tiểu ở nam giới.
Việc chẩn đoán xuất tinh ngược dòng được khởi đầu qua quá trình thăm hỏi bệnh sử, tiền căn nội khoa, ngoại khoa cũng như tiền căn sử dụng chất hiện tại. Sau đó, bác sĩ thực hiện thăm khám lâm sàng và việc chẩn đoán xác định dựa trên tìm thấy tinh trùng trong mẫu nước tiểu sau khi xuất tinh.
Do đó, việc chẩn đoán xuất tinh ngược dòng đa phần đến từ việc thăm hỏi của bác sĩ, qua đó việc tìm thấy tinh trùng trong nước tiểu sau khi xuất tinh là một chẩn đoán xác định cho bệnh lý này.
5. Điều trị
Đa phần người bị xuất tinh ngược dòng không cần điều trị chuyên biệt.
Nếu xuất tinh ngược dòng gây ra bởi tác dụng phụ của thuốc, việc điều trị đơn giản bằng cách ngưng thuốc đang điều trị hoặc chuyển đổi thuốc điều trị không gây tác dụng phụ tương tự. Trong trường hợp này, khả năng phục hồi sau điều trị cải thiện rất tốt. Các trường hợp khác nếu không ảnh hưởng đến nhu cầu mong con thì không cần điều trị đặc hiệu.
Vài trường hợp, xuất tinh ngược là nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Trong những trường hợp này, nếu người bệnh đang sử dụng thuốc thì xem xét tác dụng phụ của thuốc thì việc ngưng hoặc đổi thuốc điều trị là một hướng đi trúng đích cho nhu cầu mong con ở người bệnh.
Trong trường hợp nguyên nhân xuất tinh ngược là do tổn hại tối thiểu đến nhóm cơ cổ bàng quang hoặc đám rối thần kinh chi phối nhóm cơ này, việc dùng pseudoephedrine hoặc imipramine (Tofranil) tác động vào trương lực cơ cổ bàng quang giúp cản thiện bệnh.
Nếu xuất tinh ngược do thương tổn nặng đến cơ vòng bàng quang hoặc đám rối thần kinh, khi đó việc phục hồi lại tình trạng xuất tinh trở về bình thường là không thể. Trường hợp này có thể điều trị vô sinh thông qua các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản bằng việc lọc rửa tinh trùng từ mẫu nước tiểu sau khi xuất tinh.
Trong đó, 3 kĩ thuật thường được dùng là Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh ống nghiệm (IVF) hoặc Bơm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI).
Thời gian điều trị của xuất tinh ngược tùy thuộc vào trường hợp cụ thể. Nếu nguyên nhân xuất tinh ngược do thuốc thì sau khi ngưng thuốc đang điều trị hoặc thay đổi điều trị bằng thuốc khác, xuất tinh ngược dòng có thể biến mất. Người bệnh có thể xuất tinh bình thường sau khi đạt cực khoái. Ngược lại, nếu nguyên nhân xuất tinh ngược dòng đến từ tổn hại nhóm cơ vòng bàng quang hoặc đám rối thần kinh chi phối cho nhóm cơ này, tình trạng xuất tinh ngược dòng có thể là vĩnh viễn bất hồi phục trở về bình thường.
Tóm lại, việc điều trị xuất tinh ngược dòng tùy thuộc vào mức độ khó chịu, mong muốn mong con của bệnh nhân. Việc điều trị không đúng nguyên nhân cũng như mong muốn của bệnh nhân chỉ dẫn đến hậu quả đáp ứng kém, tiêu tốn thời gian và chi phí điều trị.
6. Phòng ngừa
Đối với nhóm nguyên nhân gây xuất tinh ngược dòng do phẫu thuật, hiện tại với sự tiến bộ trong kĩ thuật điều trị phì đại tuyến tiền liệt (không do ung thư) thì các kĩ thuật mới hiện tại giúp hạn chế xâm lấn vào nhóm cơ vòng bàng quang trong suốt quá trình phẫu thuật hơn là các kĩ thuật cắt đốt tuyến tiền liệt cổ điển. Sự tiến bộ trong kĩ thuật mổ giúp bảo tồn cơ vòng cổ bàng quang và do đó tránh biến chứng xuất tinh ngược sau mổ.
Các kĩ huật này bao gồm Cắt tuyến tiền liệt bằng kim qua niệu đạo (TUNA) và Nhiệt liệu bằng vi sóng qua niệu đạo (TUMT). Dù TUNA và TUMT giúp xâm lấn tối thiểu và ngăn ngừa nguy cơ xuất tinh ngược dòng nhưng các phương pháp này lại không được chỉ định rộng rãi cho tất cả trường hợp bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt.
Với nhóm nguyên nhân nội khoa như bệnh đái tháo đường, đa xơ cứng thì việc điều trị kiểm soát tốt được các bệnh lý này có thể ngăn ngừa được tình trạng xuất tinh ngược
Cuối cùng, với những bệnh nhân chuẩn bị dùng các loại thuốc có thể gây tác dụng phụ xuất tinh nên được bác sĩ tham vấn trước về nguy cơ và lợi ích nhằm cân bằng lợi ích trong điều trị.
TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY
Xem thêm: TOÀN TẬP VỀ XUẤT TINH NGƯỢC DÒNG