Cần Làm Gì Để Chẩn Đoán Phì Đại Lành Tính Tuyến Tiền Liệt

Cập nhật: 21/03/2023 Tác giả: TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health


Phì đại lành tính tuyến tiền liệt (hay còn gọi: tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt, bướu lành tiền liệt tuyến, u phì đại tuyến tiền liệt…) là bệnh lý gặp ở nam giới lớn tuổi do tuyến tiền liệt tăng sinh nhưng lành tính. Việc chẩn đoán cần dựa vào thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Nam giới > 50 tuổi đến khám vì rối loạn đi tiểu, nghi ngờ do phì đại lành tính tuyến tiền liệt cần được thăm khám một cách hệ thống, bao gồm:

Hỏi bệnh

Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử, bệnh sử và các bệnh lý liên quan (thần kinh, nội khoa, các phương pháp điều trị trước đó…), và chức năng tình dục.

Cần khám và hỏi triệu chứng của 3 nhóm:

  • Nhóm triệu chứng bế tắc đường tiểu dưới (liên quan đến chức năng tống xuất nước tiểu) như tiểu chậm, tiểu phải rặn, tiểu ngắt quãng, tiểu không thành dòng, tiểu ngập ngừng, tiểu nhỏ giọt.
  • Nhóm triệu chứng kích thích đường tiểu dưới (liên quan đến chức năng chứa đựng) như tiểu đêm, tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu không kiểm soát.
  • Nhóm triệu chứng sau đi tiểu như cảm giác tiểu không hết, tiểu xong còn nhỏ giọt.
TS.BS.CKII. Trà Anh Duy hỏi tiền sử, bệnh sử và các bệnh lý liên quan đến phì đại tuyến tiền liệt cho bệnh nhân
TS.BS.CKII. Trà Anh Duy hỏi tiền sử, bệnh sử và các bệnh lý liên quan đến phì đại tuyến tiền liệt cho bệnh nhân

Từ đó, bác sĩ sẽ xác định các triệu chứng cơ năng dựa trên những câu hỏi của bảng điểm quốc tế triệu chứng tuyến tiền liệt (IPSS) và bảng điểm chất lượng cuộc sống (QoL). Đánh giá mức độ trầm trọng của triệu chứng dựa vào bảng điểm IPSS. Giải thích cho người bệnh, sau đó cho người bệnh tự đánh giá rồi cho điểm vào bảng điểm IPSS và QoL (thời điểm trong vòng 1 tháng ngay trước khi đến khám).

Thăm Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám hệ tiết niệu như khám thận, khám cầu bàng quang đặc biệt để xác định cầu bàng quang mạn, khám bộ phận sinh dục ngoài (bao quy đầu, niệu đạo), khám tầng sinh môn.

Một vấn đề quan trọng nữa là bác sĩ sẽ thăm khám trực tràng để đánh giá các đặc điểm của tuyến tiền liệt về kích thước, bề mặt, mật độ, giới hạn của tuyến tiền liệt với các cơ quan xung quanh… sau khi đã lấy máu xét nghiệm PSA.

Các xét nghiệm cận lâm sàng

Nhóm xét nghiệm cơ bản cần thiết:

Máu:

  • Định lượng creatinine, ure máu: nhằm đánh giá chức năng thận. Chỉ định khi nghi ngờ chức năng thận bị ảnh hưởng.
  • Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, chức năng đông máu…: chỉ định khi nghi ngờ có tình trạng nhiễm khuẩn, rối loạn chức năng đông máu, một số bệnh lý nội khoa kèm theo…
  • Xét nghiệm định lượng PSA (bao gồm Total PSA, Free PSA và % Free/Total PSA): chỉ định cho bệnh nhân nam giới > 50 tuổi có rối loạn đi tiểu.
Xét nghiệm máu là một trong các bước cần thiết để chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt ở Nam giới
Xét nghiệm máu là một trong các bước cần thiết để chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt ở Nam giới

Tổng phân tích nước tiểu: xác định Nitrite, bạch cầu niệu (nhằm xác định sơ bộ tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu), hồng cầu niệu, đường niệu…

Siêu âm: đánh giá tuyến tiền liệt từ ngả bụng hoặc qua đường trực tràng.

  • Khảo sát tuyến tiền liệt: khảo sát hình thái, tính chất, thể tích tuyến tiền liệt, và độ lồi của thuỳ giữa vào lòng bàng quang… Cần lưu ý thể tích tuyến tiền liệt không có sự tương xứng với mức độ trầm trọng của triệu chứng.
  • Khảo sát toàn bộ hệ tiết niệu: đánh giá tình trạng bàng quang (dày thành, túi thừa, u, dị vật như sỏi bàng quang…), giãn đường tiết niệu trên…
  • Đo thể tích nước tiểu tồn lưu (RUV).

Nhóm xét nghiệm bác sĩ chỉ định phụ thêm:

  • Niệu dòng đồ: để đánh giá tốc độ dòng tiểu trung bình, tốc độ dòng tiểu tối đa (Qmax), thể tích nước tiểu đi được, thời gian đi tiểu…
  • Nhật ký đi tiểu: Thực hiện đối với bệnh nhân có tiểu đêm và triệu chứng kích thích đường tiểu dưới nổi trội. Giải thích và hướng dẫn cho bệnh nhân đánh vào phiếu theo dõi tình trạng đi tiểu để đánh giá tình trạng đi tiểu của bệnh nhân trong ngày (24 giờ): số lần đi tiểu, khoảng cách giữa mỗi lần đi tiểu, thể tích nước tiểu về đêm…
  • Cấy nước tiểu: chỉ định trong trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Chụp X quang hệ tiết niệu không chuẩn bị: chỉ định trong trường hợp nghi ngờ có sỏi bàng quang hoặc sỏi hệ tiết niệu kèm theo…
  • Nội soi niệu đạo – bàng quang: chỉ định trong trường hợp nghi ngờ có một số bệnh lý khác kèm theo ở bàng quang, niệu đạo… (u bàng quang, sỏi niệu đạo, hẹp niệu đạo…).
  • Thăm dò niệu động học (đo áp lực bàng quang, đo áp lực ổ bụng, đo áp lực niệu đạo, điện cơ): chỉ định trong trường hợp nghi ngờ có một số bệnh lý ở bàng quang kèm theo như bàng quang tăng hoạt, bàng quang giảm hoạt…

Ngoài ra, bác sĩ cũng chú ý thăm khám và các xét nghiệm đánh giá sức khỏe chung ở những bệnh nhân lớn tuổi và/hoặc có các bệnh nội khoa đi kèm…

Do đó, Nam giới khi bước vào độ tuổi trung niên và lớn tuổi, một khi có các triệu chứng rối loạn đi tiểu nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu – Nam khoa thăm khám một cách toàn diện và chuyên sâu để có chẩn đoán chuẩn xác với tình trạng tuyến tiền liệt của bản thân.

TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health

Bình luận của bạn Câu hỏi của bạn

Đặt
Lịch
Khám
Contact Me on Zalo