Chăm Sóc Sức Khoẻ Người LGBTQI+: Chuyện Đáng Quan Tâm

Cập nhật: 25/06/2024 Tác giả: TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health


Nhiều khảo sát trong cộng đồng cho thấy một số vấn đề họ đang đối mặt ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của họ. Lý do có thể xuất phát từ sự kỳ thị và phân biệt đối xử, chính vì vậy họ ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và tương tác với nhân viên y tế, dẫn đến những hậu quả bất lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Chính vì những điều đó mà hiện nay các tổ chức y tế đang dành sự quan tâm và chăm sóc nhiều hơn cho cộng đồng LGBTQI+.

Những vấn đề sức khỏe LGBTQI+ đang phải đối mặt hiện nay:

1.     Tỉ lệ nhiễm HIV ngày càng gia tăng trong cộng đồng đặc biệt ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới:

Nam quan hệ tình dục đồng giới (viết tắt là MSM từ tiếng Anh: Men who have sex with men hoặc males who have sex with males) là một khái niệm để nhấn mạnh đến hành vi của những người nam có quan hệ tình dục với những người nam khác bất kể bản dạng giới (gender identity) hoặc xu hướng tính dục (sexual orientation) của người đó là gì. Cụm từ “Nam quan hệ tình dục với nam” lần đầu được sử dụng trong cộng đồng những người làm việc y tế công cộng vào những năm 1990. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ cao của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm này tăng rõ rệt trong những năm gần đây. Giám sát trọng điểm năm 2018 chỉ ra tỷ lệ hiện nhiễm trong nhóm này là 10,8% tăng nhanh so với năm 2011 chỉ là 2,9%. Tỷ lệ nhiễm mới HIV cao trong nhóm MSM cũng tăng lên từng năm. Một số địa phương người nhiễm HIV mới được phát hiện có tới hơn 50% là nhóm MSM và MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới. Nguy cơ lây nhiễm HIV qua giao hợp qua đường hậu môn cao hơn so với giao hợp qua âm đạo. Nguyên nhân là do niêm mạc ở trực tràng dễ bị tổn thương và dễ bị virus xâm nhập hơn so với niêm mạc âm đạo.

Quan hệ tình dục qua hậu môn, nếu không áp dụng biện pháp bảo vệ còn làm tăng nguy cơ nhiễm một số bệnh lây truyền qua tình dục như nhiễm chlamydia, lậu, herpes…, bệnh qua đường máu như viêm gan C, viêm gan B và nguy cơ ung thư hậu môn trực tràng do nhiễm virus u nhú người (HPV) và nhiều bệnh truyền nhiễm khác như viêm gan A, thương hàn, salmonella, shigella, amip, E. coli… 

2.     Trầm cảm ở cộng đồng LGBTQI+

Thái độ tiêu cực và sự kỳ thị về văn hóa khiến cộng đồng LGBTQI+ có nguy cơ bị bắt nạt, trêu chọc và bạo lực thể xác cao hơn so với những người khác. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở những người từ 10 đến 34 tuổi tại Hoa Kỳ. Năm 2019, khoảng 23% thanh niên LGBTQI+ đã cố gắng tự tử và có khoảng 6% thanh niên trở nên dị tính. Trầm cảm ở người trưởng thành LGBTQI+ thường bắt nguồn từ sự phân biệt đối xử, kỳ thị và nạn nhân từ thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Theo một báo cáo năm 2015, 20% người chuyển giới tránh hoặc trì hoãn việc chăm sóc sức khỏe vì sợ bị phân biệt đối xử. Những nghiên cứu toàn diện hơn về người chuyển giới hiện vẫn còn hạn chế.

3.     Người thuộc cộng đồng LGBTQI+ có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm bạo lực cao gần gấp 4 lần so với người không thuộc cộng đồng.

Theo một nghiên cứu mới của Viện Williams tại Trường Luật UCLA, những người LGBTQI+ có nguy cơ bị bạo lực cao hơn gần bốn lần so với những người không phải LGBTQI+ , bao gồm hiếp dâm, tấn công tình dục. Ngoài ra, người LGBTQI+ có nhiều khả năng bị bạo lực bởi không chỉ với người lạ mà còn là người quen biết với nạn nhân. Trong năm 2017, tỉ lệ người LGBTQI+ bị bạo lực lên đến  71,1 nạn nhân trên 1.000 người, so với 19,2 nạn nhân trên 1.000 người đối với người không phải LGBTQI+. Cụ thể người LGBTQI+ có nguy cơ bị bạo lực bởi người quen cao hơn khoảng 6 lần và khả năng phải chịu bạo lực bởi người lạ cao hơn khoảng 2,5 lần so với những người dị tính. Phụ nữ LGBTQI+ có nguy cơ bị bạo lực cao gấp 5 lần so với phụ nữ không phải LGBTQI+. Nam giới LGBTQI+ có nguy cơ bị bạo  lực cao hơn gấp đôi so với nam giới không phải LGBTQI+.

4.     Sự “Kỳ thị” và “Cô lập” từ xã hội

Các bạn trong cộng đồng LGBTQI+ cho biết họ có cảm giác bị cô lập với xã hội và những cảm xúc tiêu cực trong nội tâm liên quan đến việc mình là người đồng tính. Khi khảo sát trong cộng đồng hơn một nửa số người được khảo sát, thanh thiếu niên cho biết họ bị cô lập, chủ yếu ở trường học. Bởi vì họ là người đồng tính nên họ cảm thấy không có ai khác để chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, có đến ¾ người được khảo sát nhận thấy bản thân có cảm xúc tiêu cực trong nội tâm liên quan đến việc mình là LGBTQI+. Ví dụ, một cô gái cho biết phản ứng của người khác khiến cô cảm thấy tồi tệ về bản thân và tự hỏi liệu mình là người đồng tính có sai không. 

Hậu quả của việc quan hệ không an toàn và sự kỳ thị phân biệt đối xử không chỉ dừng lại ở những khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của người LGBTQI+. Tỷ lệ trầm cảm, lo âu và tự tử trong cộng đồng LGBTQI+ cao hơn so với nhóm dân số chung. Áp lực từ xã hội, gia đình và công việc khiến họ cảm thấy cô lập và thiếu sự hỗ trợ, dẫn đến tình trạng căng thẳng kéo dài và các vấn đề tâm lý nghiêm trọng.

Những điều cần lưu ý để cải thiện chăm sóc sức khoẻ người LGBTQI+:

–       Để giải quyết các vấn đề trên, cần có những biện pháp can thiệp toàn diện và hiệu quả. Trước tiên, hệ thống y tế cần cải thiện chất lượng đào tạo cho nhân viên y tế về các vấn đề liên quan đến LGBTQI+. Sự hiểu biết và nhạy cảm của nhân viên y tế sẽ giúp tạo ra môi trường an toàn và thân thiện, nơi người LGBTQI+ có thể thoải mái chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ.

–       Ngoài ra, cần đẩy mạnh các chương trình giáo dục và tuyên truyền để xóa bỏ định kiến và kỳ thị đối với cộng đồng LGBTQI+. Xã hội cần hiểu rằng, mọi người đều có quyền được sống khỏe mạnh và hạnh phúc, bất kể xu hướng tính dục hay bản dạng giới của họ. Sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người LGBTQI+ vượt qua khó khăn và khẳng định giá trị bản thân

–       Cuối cùng, chính sách và pháp luật cần được điều chỉnh để bảo vệ quyền lợi của người LGBTQI+ trong lĩnh vực y tế. Các quy định pháp lý rõ ràng và công bằng sẽ giúp đảm bảo mọi người đều được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, không phân biệt đối xử.

 TS.BS.CKII. Trà Anh Duy – Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health

Bình luận của bạn Câu hỏi của bạn

Đặt
Lịch
Khám
Contact Me on Zalo