…Đã Sống Trong Chân Lý Thì Có Tôn Giáo Hay Không Đâu Còn Là Vấn Đề Nữa
Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health
Thưa Thầy, một khi trở về trọn vẹn với thực tại thân-tâm-cảnh hay là trọn vẹn với giây phút hiện tại là chúng ta đã thấy được chân lý rồi, vì chân lý là thực tại, là cái đang là. Như Thầy dạy, chân lý không là phải của tôn giáo nào cũng như chẳng phải của riêng ai.
Theo con hiểu, tôn giáo ra đời với 2 mục đích:
1 – hoặc là để chuyển tải, truyền đạt chân lý,
2 – hoặc là để phục vụ nhu cầu ham muốn của con người.
Chuyển tải hay truyền đạt chân lý chứ bản thân tôn giáo không phải là chân lý, nó giống như tấm bảng chỉ đường, nhưng người ta thường ngộ nhận nó là con đường. Rồi hầu như tất cả mọi người ai cũng muốn được che chở, nương tựa hay bám víu vào một cái gì đó, tạo cho mình lớp vỏ bọc đủ thứ kiểu, đó là mục đích thứ 2 của tôn giáo – chính là phục vụ nhu cầu ham muốn của con người.
Nhưng Đức Phật có dạy, tự mình hãy là hòn đảo nương tựa cho chính mình, ngoài mình ra không ai khác có thể nương tụa. Như vậy thì liệu tôn giáo có cần thiết trong thời đại này hay không?
Nếu cần thì với mục đích gì? Xin Thầy hoan hỷ cho con được rõ. Con xin cám ơn Thầy.
TRẢ LỜI :
Thực ra từ tôn giáo tự nó vô tội, nó chỉ là ngôn ngữ chế định thôi, tùy ai hiểu sao thì hiểu!
Hầu hết các tôn giáo bắt nguồn từ một người giác ngộ chân lý, người ấy nói lên sự thật không phải để truyền bá tư tưởng mà chỉ để giúp cho những ai hữu duyên thấy ra sự thật đó. Như vậy tôn giáo lúc đầu có nghĩa là việc thấy ra và sống với chân lý mà thể hiện cụ thể qua sự trải nghiệm, chiêm nghiệm, thẩm sát, chứng ngộ mà sống tùy duyên thuận pháp. Lúc này tôn giáo là sự thể hiện đời sống đúng với nguyên lý vận hành chân thực của đời sống, trong đó bao gồm cả Trời Đất, chúng sinh và muôn loài vạn vật.
Khi vị giác ngộ ấy qua đời thì người sau dựng vị ấy lên làm một vị giáo chủ thần tượng và tôn thờ lời dạy của vị ấy thành giáo điều, rồi ngày càng tô vẽ thêm – dù thành văn hay không thành văn – để biến thành tổ chức tôn giáo theo trình độ nhận thức của họ, lúc đó tôn giáo có nghĩa là sự tôn sùng và tuân thủ giáo điều.
Nhưng vì trình độ nhận thức khác nhau nên quan niệm của họ nhanh chóng chia năm xẻ bảy để thành nhiều tông môn, hệ phái khác nhau, có quan niệm, truyền thống và pháp môn phương tiện riêng, mà ai cũng tự cho mình là “biệt truyền” chính thống. Tuy nhiên, việc thể hiện cụ thể ở đây chỉ là để “hiểu nghĩa” và “áp dụng” ý nghĩa theo quan niệm nhận thức và phương pháp vân dụng của họ mà thôi.
Cho đến khi chữ giáo trong tôn giáo cũng mất đi ý nghĩa “hiểu biết” của nó, mà chỉ còn có nghĩa là “tin”, thì bấy giờ từ tôn giáo cũng biến mất mà hóa thành tín ngưỡng. Đó là lý do vì sao trong tín ngưỡng tính huyền bí và tính tưởng tượng cao hơn tính hiểu biết và tính hiện thực!
Tín ngưỡng cũng còn tốt bao lâu nó chưa trở thành mê tín hay cuồng tín. Cũng do ở giai đoạn giáo trên người ta y cứ vào ngữ nghĩa mà áp dụng công thức, phương pháp chế định hơn là trực tiếp thấy ra sự thật, nên dần dần rơi vào lý tưởng và ảo tưởng mà thành tín ngưỡng, chủ yếu là xem trọng đức tin.
Đó là chúng ta định nghĩa tôn giáo theo hiện trạng diễn biến trong đời sống thực tế chứ không theo một định nghĩa từ điển tiêu chuẩn hàn lâm nào. Nhưng đã là hiện trạng thì đó vẫn là sự thật hiển nhiên, nên không thể nói là cần thiết có tôn giáo hay không cần thiết.
Hơn nữa đó là chúng ta mới nói theo chiều “xuống” của tôn giáo nên chúng ta hơi bi quan, còn thực tế vẫn có chiều ngược lại, đó là chiều “lên” đi từ cuồng tín rồi bớt dần còn mê tín, từ mê tín giảm dần còn lại niềm tin.
Khi đã tin đúng thì dần dần thoát khỏi cái vỏ tín ngưỡng đưa đến khuynh hường nghiên cứu, học hỏi giáo nghĩa để áp dụng tu tập.
Cuối cùng qua áp dụng giáo nghĩa dần dần phát hiện ra sự sai lầm trong lệ thuộc vào phương pháp và quan niệm mà biết điều chỉnh nhận thức và hành vi để tự mình trực tiếp trải nghiệm, chiêm nghiệm và chứng nghiệm được sự thật của đời sống. Lúc đó từ tôn giáo được trở về với ý nghĩa ban đầu là biết sống tùy duyên thuận pháp trong chân lý muôn đời.
Tất nhiên khi đã sống trong chân lý thì có tôn giáo hay không đâu thành vấn đề nữa, phải không con?…
– Thầy Viên Minh –
Nguồn : mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: