…Đạo Phật & Khoa Học

Cập nhật: 30/09/2024 Tác giả: TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health


HỎI : Kính bạch Thầy, có một Phật tử hỏi “Con người từ đâu sinh ra và Đạo Phật nhận xét như thế nào về thuyết tiến hoá của Darwin?” Con vô minh chưa tìm ra câu trả lời. 

TRẢ LỜI : Con người hay vạn pháp đều theo luật nhân quả và duyên khởi mà có sinh có diệt, có biến đổi và tiến hóa. Đạo Phật không có mục đích tìm hiểu nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ và con người, mà chỉ tìm nguyên nhân đầu tiên của phiền não khổ đau, giúp con người phát hiện và chấm dứt nguyên nhân ấy thì cũng chấm dứt khổ đau phiền muộn, không còn sinh diệt nữa. Nguyên nhân đó chính là cái Ta ảo tưởng cùng với thuộc tính vô minh ái dục của nó.

Thuyết tiến hóa của Darwin chỉ là một giả thuyết dựa trên hiện tượng tiến hóa của một loài khỉ mà cho rằng loài khỉ ấy là thủy tổ của loài người. Nhưng những luận chứng chưa thuyết phục lắm nên vẫn chưa được công nhận. Ai thấy có lý thì tin, ai thấy vô lý thì không tin vì đó không phải là sự thật hiển nhiên. Cho dù thuyết tiến hóa của Darwin là đúng thì nó vẫn nằm trong luật nhân quả trùng trùng duyên khởi mà Đạo Phật đã thuyết thị.

-/-

HỎI : Con có nghe Thầy giảng Nghiệp là một phần của Pháp, Pháp bị chi phối bởi 5 nguyên lý, trong đó nghiệp chỉ có một trong 5 nguyên lý ấy. Vậy các nguyên lý đó là gì xin Thầy từ bi chỉ rõ để chúng con học tập.

TRẢ LỜI: Đó là 5 nguyên lý (luật) sau đây :

1 – Bīja niyāma: Luật về giống loại, di truyền… thuộc về những định lý trong sinh học
2 – Utu niyāma: Luật về thời tiết và sự tương quan trong vũ trụ… thuộc về thiên văn
3 – Dhamma niyāma: Luật vận hành của mọi sự vật như tương quan nhân quả, duyên sinh, thành trụ hoại khônng, cơ cấu vật lý, phản ứng hoá học v.v…
4 – Citta niyāma: Luật về tâm, tâm sở, các loại tiến trình nhận thức đối tượng qua 5 giác quan, qua ý thức, tiềm thức, vô thức, siêu thức v.v…
5 – Kamma niyāma: Luật nghiệp báo qua hành vi có ý chí riêng của mỗi người hình thành thiện hoặc bất thiện biểu hiện tính chất đạo đức của họ.

-/-

HỎI : Con được biết trong tương lai sẽ có những con robot tự học để có trí tuệ và cảm xúc như con người, thậm chí muốn học Đạo. Vậy thì, những robot này có thân và tâm giống chúng sinh không hay chỉ là cỗ máy thôi ạ?

TRẢ LỜI : Đó vẫn là chuyện còn trong giả tưởng, khi nào có thực chúng ta mới có thể quan sát xem những con robot đó hoạt động thế nào. 

Trí tuệ và cảm xúc cũng có hai loại, một loại phát sinh từ vật chất và một loại xuất phát từ tinh thần. Thí dụ như thôi miên bằng máy móc và thôi miên bằng tâm thức, tuy có hiệu quả tương đương nhưng vẫn hoàn toàn khác nhau.

-/-

HỎI : Xin Thầy phân biệt sự khác nhau về giải thoát của một con người với một Robot. Mong Thầy hoan hỉ.

TRẢ LỜI: Sự khác nhau giữa một con người với một robot là con người có sự tự do sáng tạo còn robot thì chỉ biết làm theo lập trình đã có sẵn.

Giải thoát của con người là thoát khỏi tà kiến và tham ái, còn sự giải thoát của một robot là không còn bị lập trình nữa. Như vậy con người giải thoát thì được xem là hoàn hảo, còn một robot không theo đúng lập trình nữa thì bị xem là hư hỏng.

Trong tu hành cũng thế, người biết ngay nơi thực tại thân tâm mà nhận ra thực tánh thì liền giải thoát, còn người lệ thuộc vào một phương pháp cố định mới tu hành được thì cũng xem như bị hư hỏng, vì khi không có phương pháp nào để rập khuôn thì cũng giống như một robot vô dụng chẳng làm gì được cả…

-/-

HỎI : Thưa Thầy một người không biết chữ thì sẽ không biết những kiến thức của thế gian vì chữ là phương tiện để học hỏi nhũng kinh nghiệm những kiến thức mang tính tục đế (khoa học kỹ thuật trong cuộc sống). Tuy nhiên nếu tu tập thì người đó vẫn chứng được Thánh quả (giác ngộ giải thoát), vậy thì người này có Hậu đắc trí không ạ? 

Vì con nghĩ nếu không biết sử dụng máy tính thì có giác ngộ giải thoát cũng không biết sử dụng máy tính (những kiến thức thế gian). Xin Thầy từ bi giảng dạy để con gỡ những vướng mắc.

TRẢ LỜI : Hậu đắc trí không hẳn là những kiến thức sách vở hoặc những kỹ thuật khoa học mà là trí tuệ thấy pháp (bản chất đời sống) qua trải nghiệm thực của thân tâm, do đó không cần chữ nghĩa, không cần sử dụng máy tính.

-/-

HỎI : Bạch Thầy, hôm nay có hai thuyết mới về “thời gian” do một số khoa học gia đưa ra. 

1 – Một thuyết diễn giải thời gian chỉ là ảo tưởng: https://www.wired.com/2016/09/arrow-of-time/
2 – Thuyết thứ 2 đưa ra thời gian chỉ là ngay tại đây. Chữ ephemeral cũng có nghĩa là sát na: http://www.npr.org/…/495608371/now-and-the-physics-of-time

Con xin hỏi Thầy phải chăng thời gian là cái màn ngăn cách giữa pháp và Niết-bàn không? Có phải vì thế chúng sanh bị ngu muội không ạ? Con cảm ơn Thầy.

TRẢ LỜI : Mọi hiện tướng đều có sinh-trụ-diệt nên có thời gian tất yếu để biến đổi – thời gian sinh vật lý. Như trái mít từ non đến chín chẳng hạn. Nhưng thực tính của mọi hiện tướng thì không có thời gian vì nó không sinh diệt, nó có thể ở tại đây và bây giờ hoặc bao trùm cả quá khứ vị lại. 

Ngoài ra còn một loại thời gian khác đó là thời gian tâm lý, thời gian này mới không có thực, nó chỉ là sản phẩm của ảo tưởng, đi cùng với bản ngã và khổ đau trong mộng nên chỉ có loại thời gian tâm lý này mới che lấp Niết-bàn.

-/-

HỎI : Thưa Thầy, gần đây giới vật lý & thiên văn thế giới công bố đó là các nghiên cứu về Hố đen, Chân không, Hạt Higgs và đặc biệt là thuyết Đa vũ trụ. Tạm tóm lược, khi nghiên cứu hố đen và chân không, giới khoa học cho ra lý thuyết về vật chất và phản vật chất – vũ trụ bao gồm nhiều dạng vật chất cùng tồn tại song song nhưng con người mới nhận thức được một số trong đó (khoảng 4% toàn bộ vật chất).

Khi nghe nói về Niết Bàn (diễn giải theo nguyên gốc của Đức Phật), con e là ý của Đức Phật nói đúng như vậy, tức là thực sự không có cái gì chứ không phải có nhưng thái độ không khởi lên như Thầy đã giảng. Khả năng là toàn bộ vật chất khi đạt Niết Bàn đã chuyển hết sang phản vật chất và vận hành ở trình độ vi tế cao hơn dạng vật chất thô trược mà con người đang tồn tại.

Nếu Thầy có hứng thú về điều này, Thầy có thể cho chúng sinh biết thêm về nhận xét của Thầy? Trân trọng cảm ơn Thầy!

TRẢ LỜI : Khoa học vật lý như con nói, luôn tuyên bố theo kiểu CÓ hoặc KHÔNG như là 2 đối cực, còn người giác ngộ thấy ngay đó có trong không, không trong có. 

Niết-bàn không phải CÓ, mà cũng không phải KHÔNG CÓ GÌ như kiểu vật lý. Niết-bàn không thuộc vật lý nhưng vật lý dù dưới dạng có hay không đối với tâm giác ngộ đều không ngoài Niết-bàn. 

Khoa học vật lý dù đạt đến chỗ thượng thặng cũng không biết Niết-bàn là gì hay không là gì đâu? Bởi khái niệm CÓ và KHÔNG của vật lý không có trong Niết-bàn.

– Thầy Viên Minh – 

Nguồn : Tổng hợp mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Bình luận của bạn Câu hỏi của bạn

Đặt
Lịch
Khám
Contact Me on Zalo