“Hãy Lắng Nghe Bước Chân”

Cập nhật: 13/11/2024 Tác giả: TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health


“Hãy lắng nghe bước chân
Bước chân qua thời gian
Thời gian vô sở trụ
Chân bước hề thênh thang.”

“Lắng nghe bước chân” là sống chiêm ngoạn những gì đang trải nghiệm trong đời sống. Nhưng đời sống luôn biến đổi không ngừng trong từng khoảnh khắc, vì thế sống chính là “bước chân qua thời gian”. Mà thời gian luôn trôi chảy không bao giờ dừng lại – “thời gian vô sở trụ” – nên đừng bao giờ bám trụ vào đâu mới có thể “chân bước hề thênh thang” – thong dong tự tại giữa cuộc đời vô thường biến đổi. Điều chính yếu trong Đạo Phật là thấy ra tính chất “vô thường, khổ, vô ngã” của thực tại thân-thọ-tâm-pháp, để không bám trụ vào bất kỳ điều gì ở đời.

Trong tu luyện, hành giả rất dễ bám trụ vào sở đắc. Người thì bám trụ vào sở đắc định này định kia để được “hiện tại lạc trú”, thậm chí nhiều người còn bám trụ vào cả “Tánh Không”! Nhưng cho dù bám trụ vào “Không” hay “Hữu”, “Tịnh” hay “động” thì cũng đều bị dính mắc trong tham ái, và vẫn còn bị trói buộc trong vô minh. Đạo Phật chủ yếu là dạy thoát khỏi sự che lấp của triền cái (nīvaraṇa) và trói buộc của kiết sử, mà kiết sử tiếng Pāḷi là samyojana có nghĩa đen là sợi dây xỏ mũi con vật để kéo đi, hay cái ách buộc vào cổ để dễ sai khiến.

Đức Phật dạy “không bước tới, không dừng lại” mới có thể “thoát khỏi bộc lưu”. “Bước tới” là có tham vọng muốn trở thành, “dừng lại” là đắm chìm trong quá khứ hay hiện tại, nên bước tới hay dừng lại gì cũng đều là dính mắc hay bám trụ. Trong pháp hành Tứ Niệm Xứ hay Thiền Vipassanā tuyệt đối không bám trụ vào bất kỳ đối tượng nào mà chỉ thấy biết trung thực thôi. Bám trụ vào sở đắc tức nỗ lực tu luyện với mục đích trở thành hay đạt được điều gì là phản lại lời Phật dạy: “Không tham ưu, không nắm giữ bất kỳ điều gì ở đời”.

Người ta nhầm lẫn pháp hành của Đạo Phật với cách tu luyện của Bà-la-môn. Bà-la-môn chủ trương rèn luyện để tiểu ngã trở thành đại ngã. Trong khi Pháp Phật không có “trở thành” mà là “chấm dứt trở thành”. “Trở thành” thuộc về “thập nhị nhân duyên sanh”, “chấm dứt trở thành” tức “thập nhị nhân duyên diệt”. 

Ngay bài giảng đầu tiên cho 5 vị Kiều Trần Như, Đức Phật đã chỉ ra 4 Sự Thật. Nếu ngay trong mọi sinh hoạt đời sống hàng ngày mà thấy ra 4 Sự Thật là giác ngộ chứ không phải tu luyện để trở thành điều gì. Chữ “Giác Ngộ” có nghĩa là thấy ra 4 Sự Thật. Đức Phật tuyên bố giữa Chư Thiên, Phạm Thiên và loài Người rằng: “Do thấy ra Tứ Thánh Đế nên Như Lai đã giác ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Giác” .

“Vô Thượng Chánh Đẳng Giác” tức thấy ra Tứ Thánh Đế, mà thấy ra Tứ Thánh Đế tức ngay đây thấy đâu là Tập Đế, Khổ Đế; đâu là Đạo Đế, Diệt Đế. Thấy ra Sự Thật này là giác ngộ chứ không phải rèn luyện để trở thành sở đắc nào để bám trụ.

HT.Viên Minh
Trích:”Hãy lắng nghe bước chân”

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Bình luận của bạn Câu hỏi của bạn

Đặt
Lịch
Khám
Contact Me on Zalo