Tinh Dịch Loãng: Dấu Hiệu Cần Hiểu Đúng Trong Sức Khỏe Sinh Sản Nam Giới
Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health
Tinh dịch (semen) là chất dịch chứa tinh trùng (spermatozoa) và dịch tiết từ các tuyến phụ như túi tinh (seminal vesicle), tuyến tiền liệt (prostate gland), tuyến hành niệu đạo (bulbourethral gland). Khi có sự thay đổi về độ đặc, màu sắc hoặc mùi của tinh dịch – đặc biệt là hiện tượng tinh dịch loãng (watery semen) – nhiều nam giới lo lắng về khả năng sinh sản, bản lĩnh tình dục và sức khỏe toàn thân. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp tinh dịch loãng đều nguy hiểm hay đồng nghĩa với vô sinh.
1. Như thế nào là tinh dịch loãng?
Tinh dịch bình thường có màu trắng đục, sệt nhẹ khi mới xuất ra và hóa lỏng (liquefaction) sau khoảng 15–30 phút. Khi tinh dịch có dạng trong như nước, không kết dính, dễ hóa lỏng ngay sau khi xuất tinh – thường được mô tả là “loãng”.
Tuy nhiên, cảm nhận bằng mắt thường không thể kết luận được về chất lượng tinh trùng. Cần phân biệt rõ giữa độ loãng của tinh dịch và mật độ tinh trùng thấp (oligozoospermia) – đây là hai khái niệm khác nhau về lâm sàng.
Theo hướng dẫn của WHO (2021), chỉ số tinh dịch bình thường bao gồm:
- Thể tích: ≥1.4 mL
- Mật độ tinh trùng: ≥16 triệu/mL
- Tổng số tinh trùng: ≥39 triệu/lần xuất tinh
- Tỷ lệ di động tiến tới: ≥30%
2. Nguyên nhân thường gặp của tinh dịch loãng
- Tần suất xuất tinh quá thường xuyên: khiến tinh trùng chưa kịp tái tạo đủ số lượng
- Thiếu hụt nội tiết tố như testosterone (hypogonadism)
- Chế độ ăn nghèo dinh dưỡng, thiếu kẽm, vitamin C, E
- Viêm tuyến phụ (viêm túi tinh, viêm tuyến tiền liệt) làm thay đổi thành phần dịch
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh (varicocele) gây suy giảm chức năng tinh hoàn
- Bất thường di truyền hoặc hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sinh tinh
Theo nghiên cứu của Guo và cộng sự (2021) trên Reproductive Biology and Endocrinology, nam giới từng nhiễm SARS-CoV-2 có thể bị suy giảm số lượng và khả năng di động tinh trùng tạm thời, khiến tinh dịch trở nên loãng và ít dính hơn.
3. Trường hợp lâm sàng tại Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health
Trường hợp 1: Anh L.N.T, 29 tuổi, đến khám tại Trung tâm Sức khỏe Nam giới vì tinh dịch trong như nước và khó có con sau 1 năm kết hôn. Khai thác bệnh sử cho thấy bệnh nhân thường xuất tinh 2 lần/ngày, ăn uống không điều độ, hay dùng rượu bia. Xét nghiệm tinh dịch đồ ghi nhận mật độ tinh trùng 7 triệu/mL, di động tiến tới 12%, tỷ lệ sống 25%. Chẩn đoán: Oligoasthenozoospermia do tần suất xuất tinh dày và thói quen sống không lành mạnh. Bệnh nhân được hướng dẫn điều chỉnh thói quen, bổ sung vi chất, giảm tần suất xuất tinh còn 2–3 lần/tuần. Sau 3 tháng, tinh dịch trở lại đặc sệt, mật độ tinh trùng tăng lên 25 triệu/mL.
Trường hợp 2: Anh P.T.H, 37 tuổi, đến khám với lý do tinh dịch có vẻ loãng và thi thoảng có màu ngả vàng. Không triệu chứng tiểu buốt hay đau tinh hoàn. Khai thác tiền sử có nhiễm Chlamydia 2 năm trước, điều trị dứt điểm. Siêu âm tinh hoàn bình thường nhưng siêu âm ngã trực tràng phát hiện túi tinh bên trái ứ dịch nhẹ, phù nề. Tinh dịch đồ có bạch cầu tăng, di động giảm nhẹ. Chẩn đoán: viêm túi tinh nhẹ. Sau khi điều trị kháng sinh phối hợp 14 ngày, kết hợp chống viêm, anh quay lại xét nghiệm sau 6 tuần với tinh dịch trắng đục trở lại, mật độ tinh trùng 30 triệu/mL, di động tiến tới 42%.
4. Khi nào tinh dịch loãng là dấu hiệu bệnh lý?
- Tình trạng kéo dài >3 tháng
- Có kèm đau khi xuất tinh, tiểu buốt, hoặc tinh dịch có mùi bất thường
- Không có con dù quan hệ đều đặn >12 tháng (infertility)
- Tinh dịch có màu trong suốt + thể tích <1 mL gợi ý xuất tinh ngược dòng (retrograde ejaculation)
Theo nghiên cứu của Agarwal và cộng sự (2015) đăng trên Asian Journal of Andrology, các bất thường về thể tích và độ nhớt của tinh dịch thường là dấu hiệu ban đầu của rối loạn sinh tinh hoặc viêm tuyến phụ.
5. Hướng tiếp cận chẩn đoán và điều trị
- Tinh dịch đồ chuẩn WHO: tối thiểu 2 lần, cách nhau 2–3 tuần
- Xét nghiệm nội tiết: LH, FSH, testosterone toàn phần (total testosterone)
- Siêu âm tinh hoàn, siêu âm ngã trực tràng nếu nghi ngờ tổn thương tuyến phụ
- Xét nghiệm nhiễm trùng: Chlamydia, Gonorrhea, Mycoplasma
- Đánh giá lối sống: rượu, thuốc lá, tần suất xuất tinh, căng thẳng tâm lý
Hướng điều trị tùy nguyên nhân:
- Bổ sung vi chất (kẽm, selenium, CoQ10)
- Điều trị nội tiết nếu thiếu testosterone
- Kháng sinh khi có viêm tuyến phụ
- Điều chỉnh tần suất quan hệ tình dục hợp lý
- Phẫu thuật nếu có giãn tĩnh mạch thừng tinh độ cao
6. Tư vấn cho nam giới gặp tình trạng tinh dịch loãng
- Không nên chỉ dựa vào quan sát mà kết luận chất lượng tinh trùng
- Nên làm tinh dịch đồ ít nhất 2 lần tại cơ sở uy tín
- Thay đổi thói quen sống: ngủ đủ, ăn uống lành mạnh, tập thể dục nhẹ, giảm stress
- Quan hệ đều đặn, tránh nhịn quá lâu hoặc xuất tinh quá dày
- Thăm khám chuyên khoa nam học khi có bất thường kéo dài
7. Kết luận
Tinh dịch loãng không đồng nghĩa với vô sinh nhưng có thể là dấu hiệu cảnh báo sự suy giảm chức năng sinh sản, rối loạn nội tiết hoặc viêm nhiễm đường sinh dục nam. Thay vì tự suy diễn hoặc lo lắng quá mức, nam giới nên tiếp cận vấn đề một cách khoa học, thông qua đánh giá tinh dịch đồ và tư vấn chuyên khoa nam học. Việc can thiệp đúng lúc, thay đổi lối sống và điều trị nguyên nhân nền sẽ giúp cải thiện chất lượng tinh trùng và nâng cao khả năng sinh sản một cách bền vững.
Tài liệu tham khảo
- Guo, T. H., et al. (2021). Impact of SARS-CoV-2 on male fertility: A multicenter study. Reproductive Biology and Endocrinology, 19(1), 139.
- Agarwal, A., et al. (2015). Clinical relevance of semen viscosity: a systematic review. Asian Journal of Andrology, 17(6), 730–738.
- World Health Organization (2021). WHO laboratory manual for the examination and processing of human semen (6th ed.). Geneva: WHO Press.