TUỔI TRẺ ƠI, DR. BANANA XIN CÓ Ý KIẾN!

Cập nhật: 31/08/2019 Tác giả: TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health


Không có gen cụ thể nào gây đồng tính, ảnh hưởng từ môi trường lớn hơn

Ngay từ tiêu đề, tôi đã thấy có gì đó hơi “kì kì”. Tôi không biết bạn sẽ cảm nhận ra sao, đối với riêng cá nhân tôi, từ “gây” được dùng ở đây, đang mang sắc thái tiêu cực. Cụm từ “gây-đồng-tính” ở đây mang hàm ý “đồng tính” là một hậu quả, một khiếm khuyết, sai lệch, không nên có.

Điều đó ngược lại hoàn toàn với những gì chúng ta đã biết và đang ra sức tuyên truyền đến cộng đồng: ĐỒNG TÍNH KHÔNG PHẢI LÀ BỆNH! Tôi tin nhiều anh chị làm báo sẽ đồng quan điểm với tôi về vấn đề này.

Bàn sâu hơn về nội dung của bài báo, tôi lấn cấn nhất ở đoạn:

Điều này có nghĩa, chính các nhân tố không di truyền, như môi trường, cách nuôi dạy, cá tính, chế độ dinh dưỡng, mới gây tác động đáng kể hơn nhiều tới việc hình thành xu hướng tình dục của mỗi người.

Theo tôi, đây là suy diễn chủ quan và thiếu cơ sở của người viết/người biên tập hoặc có thể là người dịch từ tài liệu nước ngoài. Rõ ràng “Theo hãng tin Reuters, nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về bộ gen và những trải nghiệm tính dục”. Ở góc nhìn khoa học, nghiên cứu chỉ có thể xác định sự tương quan hoặc ảnh hưởng của yếu tố di truyền (bộ gen) với trải nghiệm tình dục (đồng tính, dị tính, song tính…) có ý nghĩa thống kê hay không. Và nghiên cứu cũng chỉ dừng lại ở việc kết luận “không có một gen cụ thể nào tạo ra đồng tính”.

Ở đây, ekip thực hiện bài báo có phần vội vàng, kiểu: “gene không liên quan, thì các yếu tố còn lại quyết định chứ còn gì nữa” và còn kết luận “ảnh hưởng từ môi trường lớn hơn!” ngay trên tiêu đề.

Và với tư cách một bạn đọc trung thành của Tuổi Trẻ, tôi nhận thấy bài báo dễ khiến một bộ phận người đọc hiểu nhầm sang hướng khác: “Đồng tính là do ảnh hưởng, “nhiễm” từ môi trường ngoại cảnh”.

Sau bài báo này, tôi vẫn là độc giả trung thành của báo, vẫn đọc báo Tuổi Trẻ mỗi ngày, vẫn kính trọng và yêu quý những nhà báo chân chính của báo Tuổi Trẻ.

Nhưng, như đã trình bày ở trên, với tư cách một người làm chuyên môn và nghiên cứu trong lĩnh vực Y học giới tính, thân thiện với cộng đồng LGBTIQ, luôn “đồng hành cùng những giá trị khác biệt”, tôi tha thiết mong Ban biên tập xem xét lại bài viết này, trả lại sự thật cho nghiên cứu khoa học, trả lại sự trong sáng của ngôn từ và xin đừng vô tình gây nên những góc nhìn kỳ thị lên người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBTIQ nói chung.

Bài viết này mang tính chất đóng góp ý kiến!


Đặt
Lịch
Khám
Contact Me on Zalo