U xơ, lao – bệnh quý ông hay giấu diếm
Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health
Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng u xơ tuyến tiền liệt, lao tinh hoàn, lao mào tinh hoàn lại ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống nói chung và cuộc sống tình dục nói riêng của quý ông. Thậm chí, nhiều thanh niên còn bị vô sinh oan vì chậm trễ trong việc đi khám và điều trị.
U xơ tuyến tiền liệt là gì?
Việc điều trị u xơ tuyến tiền liệt chủ yếu dựa vào mức độ rối loạn đi tiểu và điểm chất lượng cuộc sống (do người bệnh tự đánh giá). Nếu bị rối loạn nhẹ, chỉ cần theo dõi bệnh định kỳ. Song song đó, việc thay đổi những thói quen xấu trong lối sống sẽ giúp cải thiện các triệu chứng hiệu quả.
Vô sinh vì lao tinh hoàn
Theo BS Lê Tấn Phong, Trưởng khoa Lao ngoài phổi, BV Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, lao tinh hoàn, mào tinh hoàn hoặc tràn dịch màng tinh hoàn do lao thường gặp ở nam giới trong độ tuổi sinh đẻ, từ 30-40 tuổi. Trước đó, người bệnh có thể bị lây vi trùng lao qua đường máu hoặc tiếp xúc trực tiếp.
Vi trùng xâm nhập vào cơ thể người bệnh, khu trú tại các vị trí kể trên và khi kết hợp nhiều yếu tố như sức đề kháng của người bệnh giảm, lượng vi trùng đủ nhiều và mạnh thì bệnh sẽ bộc phát. Dấu hiệu để nhận biết là tinh hoàn sưng, đau; người bệnh cảm thấy đau nhức tinh hoàn rất nhiều, thậm chí bộ phận này còn bị xì mủ hoặc sưng to như có khối u, bướu.
Ban đầu, hầu hết các bệnh nhân đều rất ngại đi khám ở các cơ sở y tế nên tự mua thuốc kháng sinh về uống hoặc thoa. Sau một thời gian dùng kháng sinh không giảm, bệnh diễn tiến ngày càng nặng hơn, đau nhức và rò mủ nhiều hơn, người bệnh mới đi khám. Thông thường, khoa niệu sẽ là nơi mà bệnh nhân tìm đến.
Thực tế, bệnh này dễ bị nhầm lẫn với dạng bệnh nhiễm trùng khác của tinh hoàn, thế nên nhiều khả năng bệnh nhân cũng sẽ được kê đơn điều trị viêm tinh hoàn. Không chỉ vậy, với những trường hợp bị sưng to như bướu còn sẽ được chẩn đoán là ung thư tinh hoàn. Khi đó, nhiều khả năng người bệnh sẽ được chỉ định cắt khối u để sinh thiết tìm tế bào ung thư.
Tinh hoàn khá nhỏ nên khi đã nhiễm lao thì nguy cơ bị vô sinh rất cao vì khi đó khả năng sản xuất tinh trùng rất kém; nếu bị cắt phần u, sưng để làm sinh thiết thì hầu như không có cơ hội để có con theo cách truyền thống.
Vì vậy, khi có những dấu hiệu kể trên, người bệnh nên kiểm tra thêm nguy cơ có bị nhiễm lao hay không. Nếu đúng là bị lao, chỉ cần điều trị thuốc kháng lao đều đặn, đúng liều khoảng chín tháng-một năm, bệnh sẽ khỏi. Điều trị ngoại trú, không nhất thiết phải nằm viện.
Hiếm gặp hơn và cực kỳ khó chẩn đoán là lao tiền liệt tuyến. Lao tuyến tiền liệt thường kết hợp với lao đường tiết niệu nên có triệu chứng như tiểu rắt, tiểu khó, sốt; rất giống với u xơ hoặc ung thư tuyến tiền liệt nên các bệnh này rất dễ nhầm lẫn với nhau.
Thông thường chỉ có thể tìm được bệnh sau khi làm sinh thiết tuyến tiền liệt. Trong khi u xơ tuyến tiền liệt thường chỉ gặp ở nam tuổi trung niên trở lên thì lao tuyến tiền liệt lại gặp ở người trẻ (30-40 tuổi).
Do đó, mỗi người nên tăng cường sức đề kháng của mình bằng cách có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, rèn luyện thể thao, làm việc và nghỉ ngơi điều độ.
Nguồn: PHUNU ONLINE