Hiểu Đúng Về Giới, Phạm Giới & Giữ Giới

Cập nhật: 04/11/2023 Tác giả: TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health


Trước hết cần hiểu Giới là gì: 

1 – Ở trình độ (nhận thức) thấp nhất giới là LUẬT có tác dụng ngăn cấm.

2 – Trình độ thứ 2 giới là những QUY ĐỊNH có tác dụng ngăn ngừa.

3 – Trình độ thứ 3 giới là ĐIỀU HỌC qua đó nhận ra hành động, nói năng đúng hay sai, thiện hay ác, nên làm hay không nên làm.

4 – Trình độ thứ 4 là sự TINH TẾ trong mọi hành động, nói năng, oai nghi, cử chỉ.

5 – Trình độ thứ 5 là mọi biểu hiện đều TRONG LÀNH (trong sạch, thanh tịnh).

Vì sự tiến triển như vậy nên giới trong nhà Phật được gọi là Tăng Thượng Giới. Xuyên suốt 5 trình độ này, THẬN TRỌNG là yếu tố then chốt giúp giới tăng thượng, vì vậy có thể nói thận trọng là cốt lõi của Giới. 

Thận trọng đưa từ giới chế định ở mức độ thấp nhất đến giới thực tánh hoàn toàn thanh tịnh. Trong quá trình này, vấn đề không phải ở chỗ phạm giới hay không phạm, Phật tử hay không Phật tử mà là:

– Có thông suốt được ý nghĩa của giới không
– Có biết thế nào là sai phạm và không sai phạm không
– Có nhận ra đã sai phạm điều gì và như thế nào không
– Có học ra từ sai phạm đó để tự điều chỉnh nhận thức và hành vi không
– Có thật sự biết ăn năn hối lỗi không
– Có tinh tấn để không sai phạm nữa không
– Có thấy ra thực tánh thanh tịnh vượt ngoài giới chế định không.

Nếu không thì dù có cố giữ mình là Phật tử, cố không phạm giới thì vẫn chỉ là “giới ngoài da”, không thể nào là “giới tăng thượng” được…

Giới luật như là điều học giúp mỗi người tự thấy ra tính chất đạo đức trong hành động của mình, nhờ đó mới chuyển hóa được thái độ nhận thức và hành vi ngày càng thận trọng, tinh tế và trong lành hơn. Vậy quan trọng không phải là có mắc sai phạm hay không, và phải sám hối như thế nào, mà là qua đó người ấy có học được điều gì để thấy ra bản chất hành động của mình hay không?

Nếu một người thường sai phạm, nhưng nhờ đó mà thấy ra cái ngã vô minh ái dục để giác ngộ giải thoát thì còn hơn một người cố giữ mình không sai phạm, rồi tự mãn với sự trong sạch của mình, mà không thấy ra cái ngã vô minh ái dục ngày càng lớn thêm…

Đức Phật dạy : “Trước làm ác, sau làm lành như trăng ra khỏi mây che”. Sai lầm không đáng trách, chỉ đáng trách khi sai mà không biết mình sai. Nếu từ bài học sai lầm mà chuyển hoá được nhận thức và hành vi thì đã là đúng tốt.

Đức Phật có lấy ví dụ cái bát: 

+ Nếu mua về cái bát dơ mà không biết bát dơ thì nó sẽ dơ mãi, đó là người mê.

+ Nếu mua về cái bát dơ mà biết đó là bát dơ nên chùi rửa sạch sẽ, đó là người trí… 

Phạm giới nhưng nhờ đó mới thấy được cái ngã tham sân si sai sử mình ra sao, và nhờ đó mà biết điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt thì phạm giới mà tự giác được. 

Giai đoạn ray rứt, ân hận cũng tốt, nhờ đó mới biết làm sai xấu thì khổ thế nào. Vậy điều quan trọng là qua sai phạm của mình, mỗi người có học ra được điều gì chứ không phải chỉ biết chán nản và tự trách mình…

- Thầy Viên Minh -

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Bình luận của bạn Câu hỏi của bạn

Đặt
Lịch
Khám
Contact Me on Zalo