Nỗi đau teen bị kỳ thị đồng tính

Cập nhật: 19/10/2016 Tác giả: TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health


Phát hiện con ‘không bình thường’, mẹ Thành lôi xềnh xệch cậu bạn đến bệnh viện Bình Dân…Không ai chọn được nơi mình sinh ra cũng như giới tính cho mình. Và càng không ai có thể điều khiển được cái nhìn của người khác về những khác biệt không-mong-muốn của mình.

Những người bạn LGBT (Lesbian, Gay, Bisexual, Transexual) đang phải hứng chịu nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần mỗi ngày bởi sự kì thì, mà đau đớn nhất là của người thân cùng sống trong một gia đình.

Thành (một trường THPT chuyên tại TP HCM) bị mẹ phát hiện trong một tình huống trớ trêu khi cho đứa em 2 tuổi mượn điện thoại làm đồ chơi nhử bé ăn cháo. Ai ngờ mẹ bạn ấy cầm luôn điện thoại vô tư xem tin nhắn, hình ảnh trong máy. Phát hiện tấm ảnh khóa môi của Thành và người yêu, mẹ cậu hét lên, quăng chiếc điện thoại đi.

Sau đó, Thành bị mẹ lôi xềnh xệch khi vẫn còn mặc nguyên đồng phục trường đến bệnh viện Bình Dân để chữa bệnh. Cậu bạn vừa đi vừa khóc năn nỉ mẹ dừng lại nhưng vẫn bị kéo đi. Sau khi các bác sĩ cố gắng giải thích đây không phải bệnh thì vừa ra khỏi bệnh viện, Thành đã bị mẹ tát tới tấp vào mặt: “Đây là học đòi, hư hỏng, đua đòi theo bạn bè chứ gì? Thôi anh không cần nhìn mặt tôi nữa, cũng không cần đi học làm gì nữa!”.

Cô bạn Hằng (20 tuổi, nhà ở Nha Trang) kể: “Năm đó mình học lớp 12, tình cờ bị một người bạn trong lớp phát hiện mình là les, thế là cả lớp đồn ầm lên, rêu rao khắp trường và có đứa gọi về nhà mách bố mẹ mình. Trên lớp bị chọc cũng không sao, tính mình khá rắn, nhưng khi về nhà thì quả thật là địa ngục. Không khí gia đình mình ngày nào cũng ảm đạm, ba mình liên tục cầm cây đánh từ trên đánh xuống”. Bố mẹ Hằng đã ly hôn nên không có ai khác bênh vực. Ba Hằng cấm bạn ấy không được xuống nhà ăn cơm vì cho rằng bạn ấy là người mang xui xẻo về nhà.

Được sống là chính mình, điều đó có quá khó khăn để gia đình có thể hiểu và chấp nhận cho các bạn LGBT?
Trong suốt hai năm qua, Hằng phải ăn cơm hộp một mình trên phòng. Giao thừa, lễ tết đều không được sum họp cùng gia đình. Bố và anh chị em trong nhà cũng không nói chuyện với Hằng, xem bạn như một người dưng sống trong cùng căn nhà. Hằng vừa khóc vừa kể: “Mình tủi thân lắm, có gia đình mà cứ như không, mọi người tra tấn tinh thần mình vậy thà để mình chết đi còn hơn! Mình nhớ có lần còn bị chính cậu ruột của mình chạm thẳng vào ngực. Mình thét lên nhưng chẳng ai nói gì. Cậu mình bảo: “Mày bị ô môi thì đụng vào có chết chóc gì?”.

Một cậu bạn khác ở Vĩnh Long nhớ lại những ngày bị bố mình cạo đầu và bôi mỡ trăn để khỏi mọc tóc khi bạn ấy quyết định công khai giới tính cho gia đình biết vì trót thương một anh bạn cùng xóm. Bố bạn thản nhiên giải thích: “Làm vậy để xấu đi, trai đừng có dụ dỗ nó nữa!”. Khi cậu bạn đang học lớp 12 thì bác ấy lên tận trường để xin rút hồ sơ về, không cần tốt nghiệp văn hóa mà đăng ký nhập ngũ luôn. 12 năm học của bạn ấy tiêu tùng, những ước mơ cũng không cánh mà bay chỉ trong một ngày. Bạn ấy không được mở miệng để giải thích hay chia sẻ một lời nào để bố thay đổi ý định.

Các bạn LGBT thường nhạy cảm và có xu hướng sống nội tâm. Việc cư xử thiếu tế nhị, không trên cơ sở lắng nghe sẽ để lại những hậu quả, bi kịch đau lòng. Cô bạn Hằng ở trên đã trở thành một nữ tu sau chừng ấy thương tổn. Gia đình nguôi ngoai đề nghị Hằng quay về nhà nhưng bạn đã từ chối.

Hẳn bạn còn nhớ câu chuyện của Jamey người Mỹ đã tự tử trước cửa nhà vì bị bắt nạt, kỳ thị giới tính đến mức ca sỹ Lady Gaga đòi gặp tổng thống Mỹ Obama yêu cầu có biện pháp chấm dứt tình trạng này. Dĩ nhiên sẽ không dễ dàng cho tất cả chúng ta, kể cả bố mẹ, bạn bè, thầy cô chấp nhận một sự thật rằng người thân của chúng ta là một LGBT.

Khi tớ viết bài viết này thì một người bạn LGBT của tớ vừa gọi điện thoại từ Mỹ về khóc nức nở kể: “Mẹ của tao đã biết tao… vậy rồi!”. Một cuộc đối thoại giữa hai mẹ con trong nước mắt. Mẹ bạn ấy nghẹn ngào đến mức không thể nói được gì ngoài việc: “Sao chừng ấy năm con không nói cho mẹ biết mà chỉ một mình chịu đựng tất cả mọi việc? Con có biết rằng, làm như vậy là khó chịu và đau khổ lắm không? Sao con không để mẹ chia sẻ với con!”.

Sơn (20 tuổi, ở Hà Nội) cũng là một trong những trường hợp may mắn hiếm hoi. Quyết định tự thú với gia đình, cậu chuẩn bị sẵn sàng tâm lý đối diện với “bão tố”. Nhưng quá đỗi bất ngờ, mẹ cậu không những không tỏ ra ngạc nhiên mà còn chuẩn bị sẵn một số sách khoa học về giới tính thứ 3, thứ 4 để tặng cậu. Tùng nghẹn ngào không nói nên lời. Hiện tại, Tùng và mẹ đang cùng phối hợp để viết sách về đề tài LGBT theo đơn đặt hàng của một nhà xuất bản.

Có thể sẽ rất khó để gia đình, bạn bè thông cảm và thấu hiểu khi bạn mang trên mình một chiếc áo quá khác biệt. Nhưng cũng đừng vì thế mà có những phản ứng tiêu cực. Hãy chọn cho mình cách nhẹ nhàng như hướng dẫn bố mẹ tham gia PFLAG (viết tắt của Parents, Families & Friends of Lesibans and Gays – Diễn đàn dành cho cộng đồng ba mẹ, gia đình và bạn bè của những người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới tại Việt Nam). Nếu bạn không thể chia sẻ hay tâm sự với bố mẹ hãy nhờ một người có tiếng nói mà bạn tin tưởng như ông bà, chú bác thậm chí là thầy cô giáo giúp đỡ.

Trong quyển sách Con mèo dạy hải âu bay của tác giả Luis Sepúlveda (người Chile) có một câu rất hay: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật khó khăn”. Khó, nhưng không phải là không thể đúng không teen? Vì cuối cùng thì chú mèo cũng đã cưu mang cho hải âu lạc mẹ và cuối cùng thì hải âu cũng biết bay!

Bác sỹ Trà Anh Duy (Bệnh viên Bình Dân, TP HCM): Đồng tính không phải là bệnh!

Người đồng tính là từ thường gọi của từ “người có xu hướng tình dục đồng giới”. Hành vi tình dục đồng giới là một xu hướng tính dục có tính chất cố định, không phải là sự lựa chọn của cá nhân. Nó được hình thành ngay từ nhỏ do sự tác động qua lại của các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội, trước cả khi có trải nghiệm tình dục. Theo thống kê của Hoa Kỳ, xu hướng tình dục đồng giới, tuy chỉ chiếm khoảng 4% số người đã trưởng thành, nhưng “không giống đa số” không có nghĩa bạn không bình thường.

Chúng ta cũng cần phân biệt người có xu hướng tình dục đồng giới (người đồng tính) khác với hai dạng bệnh sau:

– Trạng thái tự cho bản thân thuộc giới khác: người hoàn toàn bình thường về giải phẫu và sinh học nhưng tự cho bản thân thuộc giới khác và tìm cách thực hiện ý định chuyển giới bằng các phương pháp phẫu thuật và sinh hóa.

– Trạng thái tự cải trang quần áo để biểu lộ thành giới khác: là người chỉ thích mặc quần áo khác giới để cảm thấy cảm xúc tình dục.

Điểm chung của người đồng tính là sự mặc cảm tội lỗi, sợ sệt, tâm lý hoảng loạn dễ bị tổn thương do không giống ai trong việc lựa chọn đối tượng tình dục và tình yêu của họ không được xã hội chấp nhận. Do đó, người đồng tính dù là nam hay nữ cũng đều cần được gia đình, xã hội và cả thầy thuốc quan tâm, thông cảm, để có được sự giúp đỡ về tâm lý và đề phòng những bệnh lý mắc phải. Việc này giúp cho người đồng tính hòa nhập, cống hiến lao động cho xã hội.

Ở lứa tuổi vị thành niên, do tâm lý và xu hướng tình dục chưa nhận thức một cách rõ ràng, nên đôi khi các bạn ngộ nhận về xu hướng tình dục của mình. Ở lứa tuổi này, bạn có khuynh hướng hâm mộ, yêu thích một người bạn hay một người nổi tiếng cùng giới về tính cách hay ngoại hình, và bản thân mong muốn được như vậy. Theo thời gian, khi đã trưởng thành thực sự về tâm lý và cả về giao tiếp xã hội, những người này sẽ tự nhận thức về xu hướng tình dục của mình.

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM): Người tốt không nằm ở giới tính mà nằm ở cách cư xử.

Chúng ta không nên nghĩ thế giới thứ 3 là một thế giới của những người không tốt. Một người tốt không nằm ở giới tính mà nằm ở cách cư xử của họ với mọi người. Nếu họ cư xử với chúng ta tốt thì không có lý do gì để chúng ta bắt họ phải thay đổi cả.

Đồng tính không phải là bệnh, có giới tính thứ nhất, có giới tính thứ hai thì cũng sẽ có giới tính thứ ba. Đó là một hiện tượng rất bình thường và tồn tại khá phổ biến cả trong giới tự nhiên. Do đó, người đồng tính hoàn toàn có quyền sống đúng với giới tính của họ, họ có quyền được thích, được yêu và bày tỏ tình cảm.

Tôi thấy có rất nhiều trường hợp đã bắt ép con/em của mình đi “khám bệnh” hoặc ép con/em mình quan hệ với người khác phái để “chạy chữa căn bệnh” của họ, đó là một việc làm hoàn toàn vô ích và sai trái. Đồng tính không “chữa” được và cũng không cần “chữa”, họ cũng là người như tất cả mọi người. Quan trọng là họ chọn một lối sống thế nào, lành mạnh hay không lành mạnh. Nếu muốn giúp, hãy giúp họ bằng cách thể hiện sự đồng cảm và đóng góp xây dựng để họ có một cuộc sống đẹp được tất cả mọi người chấp nhận.

Heo Ù

( Theo http://ione.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-tinh/noi-dau-teen-bi-ky-thi-dong-tinh-1931086.html )


Đặt
Lịch
Khám
Contact Me on Zalo