Sám Hối Là Điều Chỉnh Nhận Thức Hành Vi

Cập nhật: 02/11/2023 Tác giả: TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health


…Khi nhận ra sai lầm trong nhận thức & hành vi của chính mình thì mỗi người đếu muốn ăn năn hối cải. Đó chính là sám hối, một điều tuyệt vời. 

Quá trình tu học Đạo Phật của mỗi người chính là sự sám hối của người ấy. Do nhận ra cái sai mà tự điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng hơn thì đó chính là sám hối, dù là chỉ “đúng” hơn cái đã “sai” ngay lúc đó chứ vẫn chưa hoàn toàn “đúng” hẳn. 

Do bản ngã còn quá lớn nên mình đã “làm hại” những người làm trở ngại mình, nhưng khi nhận ra chính những người ấy đã giúp mình thấy ra cái sai thì ai cũng sẽ bắt đầu khởi tâm muốn tạ ơn & sám hối, tạ ơn họ đã giúp mình thấy ra, và sám hối vì mình đã có ý nghĩ xấu về họ. Vì vậy sám hối không phải làm sao để “xóa” hết tội, hay “chạy” tội, vì nếu như vậy tức là vẫn chưa thấy ra cái sai nơi chính mình.

Sám hối là điều chỉnh nhận thức hành vi lại cho đúng-tốt để không còn hại mình hại người nữa. Không phải đã “hại” người ta rồi, bây giờ sợ người ta “hại” ngược lại nên muốn “chuyển nghiệp” theo kiểu “chạy tội”. Hiểu cho đúng thì “chuyển nghiệp” chỉ là thay đổi nhận thức nên hành vi sẽ thay đổi, không tạo “nhân” xấu, không tạo nghiệp nữa.

Lão Tử đã từng nói luật của Trời Đất là tàn nhẫn, đã làm sai thì phải chịu, không thể vì cầu xin mà thay đổi. Nhưng lạ một điều là các tội lỗi thường xuất phát từ tâm lý, hễ thay đổi “tâm lý” nơi mình thì cảm giác tội lỗi sẽ chấm dứt, nên mới có câu “Tội từ tâm khởi đem tâm sám, tâm được tịnh rồi tội liền tiêu”. Chính những tội lỗi ấy đang giúp mỗi người thấy ra sự thật mà trở về với bản tâm thanh tịnh, vậy cũng là tốt rồi. 

Không có bậc giác ngộ nào chưa từng trải qua những sai lầm mà lại giác ngộ được. Cái đúng chỉ xuất phát từ nhận ra cái sai, chứ không có cái đúng lý tưởng, vì vậy khi biết mình đã làm sai thì hãy dũng cảm đón nhận hậu quả của sai lầm ấy hơn là tự dằn vặt để tâm rơi vào mặc cảm tiêu cực. Thường những người biết “dũng cảm đón nhận” sẽ “nhẹ tội” hơn người chỉ loay hoay tìm cách “trốn tránh” hay “chạy tội”. Vì nỗi sợ “đọa địa ngục” đã chính là “địa ngục” rồi.

– Thầy Viên Minh – 

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Bình luận của bạn Câu hỏi của bạn

Đặt
Lịch
Khám
Contact Me on Zalo