Vở Kịch Cuộc Đời
Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health
VAI DIỄN GỌI LÀ “TA” CHÍNH LÀ “VAI DIỄN” LỚN NHẤT TRONG “VỞ KỊCH CUỘC ĐỜI”
Lời đầu tiên con kính chúc Thầy tinh tấn và sức khỏe. Con nay 31 tuổi, con hay nghe Thầy giảng. Con cảm thấy đời này và vô lượng các kiếp như là một vở kịch, lúc vui lúc buồn, lúc đâu khổ lúc hạnh phúc… Nhưng dù sung sướng tột đỉnh rồi cũng không tồn tại.
Xin Thầy chỉ cho con một bài pháp thượng thừa để con nương theo học tập và kết thúc luân hồi sinh tử.
TRẢ LỜI:
Sinh ra và sống một đời thực ra không phải để hạnh phúc hay được mọi sự như ý mà để thấy ra sự thật, sự thật về cuộc đời chính là “Vô thường, khổ, vô ngã” để có thể ra đi mà không còn vướng mắc điều gì ở đời.
Đời người giống như một bộ phim mà mình và mọi người chỉ là những vai diễn, chủ yếu hiểu rõ ý nghĩa bộ phim muốn diễn đạt điều gì, còn mỗi vai chỉ là diễn viên thôi, không có gì thật cả…
Khi xem một vở kịch mà quá để ý đến các vai diễn để phê phán thì sẽ không hiểu được hết ý nghĩa xuyên suốt của vở kịch ấy. Mục đích xem kịch cũng không phải để mua vui mà để hiểu ra điều vở kịch ấy muốn diễn đạt.
Cũng như trong cuộc sống, những nhân vật hay những sự kiện diễn ra là để giúp mỗi người thấy được tính chất vô thường, khổ, vô ngã của mọi sự, mọi vật, nhờ đó không còn bám víu, đính mắc, nương tự vào bất cứ điều gì ở đời…
Pháp tối thượng thừa là chấp nhận “vở kịch” cuộc đời làm bài học giác ngộ, không qua vở kịch vô thường, khổ, vô ngã thì không thể nào giác ngộ được. Người thoát khỏi thời gian chính là người chấp nhận thời gian vô lượng để học bài học giác ngộ này.
Cuộc đời không có gì là luân hồi sinh tử cả mà duy chỉ có bản ngã tầm cầu lý tưởng của mình mới tác thành luân hồi sinh từ trong ảo mộng mà thôi. Vậy giải thoát là ra khỏi ảo tưởng về cuộc đời chứ không phải thoát khỏi cuộc đời…
Cuộc sống tự nó không phải là vai diễn, mà là pháp đang vận hành đúng với luật nhân quả-duyên báo rất tự nhiên của nó. Cuộc sống là bài học duy nhất của sự giác ngộ, không qua đó mà giác ngộ thì không tìm đâu ra sự giác ngộ ở nơi nào khác.
Chính cái Ta ảo tưởng lăng xăng phản ứng tạo tác trên cuộc sống đó mới là vai diễn. Vấn đề là có phát huy được sự sáng suốt, định tĩnh, trong lành sẵn có trong tánh biết pháp để loại trừ vai diễn của cái Ta ảo tưởng đó đi không, chứ không phải đổi vai diễn này qua vai diễn khác.
Bản ngã đã “diễn sai” nên tự chuốc lấy ngột ngạt, bây giờ lại tiếp tục sai lầm khi muốn đổi vai diễn khác như ý mình thì thực ra chỉ đổi ngột ngạt này qua ngột ngạt khác mà thôi.
Bao lâu còn muốn diễn thì mãi mãi vẫn còn ngột ngạt khôn nguôi!.
- Thầy Viên Minh -
Nguồn : Mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: