Cuộc Đời Này Bị Chia Rẽ Bởi Những Tư Tưởng

Cập nhật: 06/11/2023 Tác giả: TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health


HỎI:

Thưa Thầy, Ngài Krishnamurti có nói “cuộc đời này bị chia rẽ bởi những tư tưởng”. Nhưng theo con hiểu nếu không có được Chánh Tư Duy thì sẽ không có nhận thức đúng và hành vi đúng. Vậy “suy nghĩ & tư tưởng” Ngài Krishnamurti nói ở đây nên được hiểu như thế nào ạ?

TRẢ LỜI :

Khi chưa thấy ra sự thật chân đế thì tư tưởng phần lớn là dựa trên khái niệm tục đế, mà khái niệm tục đế nơi mỗi người mỗi khác. Ví như mình nói “đây là hoa hồng”, nhưng không phải mỗi người đều thấy cái gọi là “hoa hồng” giống nhau. Mà mỗi người thấy nó theo khái niệm của chính mình, nên có người cho là đẹp, có người lại cho là xấu, có người thì không quan tâm, có người thì thích, có người lại ghét. 

Mỗi người mỗi thái độ khác nhau, thái độ ấy biểu hiện ra bằng những tư tưởng quan niệm, và khởi đầu xuất phát từ những khái niệm. Khi quan sát mọi sự trong đời sống, mỗi người đều dùng các khái niệm mà họ tích lũy được để dán nhãn hay xác định, từ những khái niệm này sẽ sinh ra tư tưởng quan niệm.

Thí dụ một người không có tôn giáo, hay đang theo một tôn giáo khác, khi họ nhìn vào Phật Giáo thì họ cho là mê tín dị đoan & xấu xa, hoặc là tốt đẹp & cao siêu, tất cả những điều đó đều là những khái niệm, những nhãn hiệu mà họ đang gán cho Phật Giáo. Ngay trong các Phật Tử thì mỗi người cũng có tư tưởng và quan niệm khác nhau về Phật Giáo mà họ đang thực hành theo, không ai giống ai. Mỗi người đều thấy Phật Giáo qua lăng kính tư tưởng quan niệm của mình mà cho là như thế này hay như thế kia, tạo ra những bản vẽ khác nhau về Phật Giáo. 

Đa phần chúng ta nhận thức dựa vào tư tưởng và quan niệm, mà “nhất niệm khởi thiện ác dĩ phân” – nhất niệm khởi lên ngay đó sinh ra 2 mặt âm-dương, thuận-nghịch, thiện-ác,… suy nghĩ & tư tưởng thì luôn phân chia đời sống một cách “nhị nguyên” như vậy. Nhưng Chánh Tư Duy lại khác, Chánh Tư Duy không phải là tư tưởng, và không hề tạo thành tư tưởng. 

Như Lão Tử từng nói “tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri”, thường được dịch là “người biết thì không nói, người nói thì không biết”. Nhưng sao Lão Tử vẫn nói, Đức Phật & Đức Chúa vẫn nói, chẳng lẽ họ không biết? Đó là do người ta dịch sai chữ “ngôn”. Chữ “ngôn” ở đây không có nghĩa là “nói” mà có nghĩa là “lập ngôn”, tức “tạo thành quan niệm”. Người trí nói gì cũng dựa trên sự thật, nên không tạo thành tư tưởng & quan niệm. 

Thí dụ mình thấy cái hoa này nó là như vậy thì đâu có sao. Nhưng khi mình nhìn bông hoa mà tạo thành quan niệm, người kia nhìn bông hoa cũng tạo thành một quan niệm khác, rồi người nọ cũng tạo thành một quan niệm khác nữa. Qua đó có thể nói “chính quan niệm & tư tưởng đã chia rẽ con người”. Hai vợ chồng nếu mỗi người có một tư tưởng khác nhau là xong rồi đó, thế nào cũng va chạm.

Còn Chánh Tư Duy thì khác, nó xuất phát từ Chánh Kiến tức thấy ra sự thật (thực tánh pháp) và Chánh Tư Duy mô tả sự thật đó. Tiến trình này chia làm hai giai đoạn, giai đoạn qua tư duy & giai đoạn qua ngôn ngữ. Như khi Thầy giảng về sự thật thì chính là đang dùng Chánh Tư Duy và Chánh Ngữ. 

Ví như Thầy nói “nước chanh chua”, vậy ai đã từng uống nước chanh đều thấy ngay vì đó là lời nói dựa trên sự thật, đó là Chánh Ngữ xuất phát từ Chánh Tư Duy đang mô tả sự thật. Chánh Tư Duy khởi lên dựa vào Chánh Kiến tức thấy biết như thật thì hoàn toàn không tạo ra tư tưởng nào cả. Nhưng nếu Thầy nói “tôi không thích nước chanh chua”, tức không còn dựa vào sự thật mà dựa trên quan niệm cá nhân, thì ngay đó tư tưởng hiện diện.

Hay trường hợp khác, khi một người trong nội tâm chưa có hạnh bố thí, chưa thật sự chứng nghiệm bố thí là như thế nào, chưa có Chánh Kiến về bố thí nên khi giảng về hạnh bố thí phải dùng suy luận lý trí. Do chưa xuất phát từ Chánh Kiến nên chưa phải là Chánh Tư Duy và Chánh Ngữ mà dễ rơi vào cố chấp quan niệm của mình là đúng, của người khác là chưa đúng, rồi đến khi cần phải bố thí thì cũng chưa chắc đã làm được…

- Thầy Viên Minh -

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Bình luận của bạn Câu hỏi của bạn

Đặt
Lịch
Khám
Contact Me on Zalo