Rác Của Tâm

Cập nhật: 06/11/2023 Tác giả: TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health


Khi ngồi thiền thì mình chỉ ngồi và buông xuống hết, buông luôn cả ý nghĩ “ngồi thiền”, hay hy vọng “đạt được điều gì đó”, ngồi chỉ trọn vẹn là ngồi thôi, và tâm hoàn toàn rỗng lặng. 

Đừng bao giờ ngồi thiền vì một mục đích tương lai nào cả, mà chỉ buông xuống hoàn toàn, trọn vẹn như mình đang là mà cảm nhận sự rỗng lặng nơi tâm. Nếu như khi buông xuống mà tâm không thể rỗng lặng, mà cứ khởi lên hết việc này việc nọ, chứng tỏ trong tâm mình đã lưu trữ rất nhiều rác. 

“Rác của tâm” là những việc mình làm mà mình không biết trong đời sống hàng ngày. Thí dụ ai nói gì đó mà tâm nổi sân, và mình biết rõ tâm mình đang sân thì nó không trở thành rác. Nhưng khi đang sân mình chỉ để ý đến đối tượng làm mình sân, và không biết tâm đang sân như thế nào, thì tâm sân này sẽ càng ngày càng mạnh lên và sau đó được lưu vào tiềm thức (Bhavaṅga). Tâm sân ấy đã trở thành “rác của tâm”. Việc khi ngồi yên xuống thì tâm cứ khởi lên cho thấy tâm mình đang chứa rất nhiều “rác”.

Người “không lưu trữ rác” là người luôn trọn vẹn rõ biết mình trong mọi hoạt động của đời sống. Khi trọn vẹn tỉnh thức thì không rơi vào vô thức, ngược lại không trọn vẹn rõ biết tức đang thực hiện hành vi một cách vô thức và sau đó “dấu vết” này sẽ lưu vào tiềm thức (Bhavaṅga) và “xoay vần” trong đó, đến khi mình ngủ, hay khi ngồi yên lại thì liền thấy nó khởi lên. Chúng sẽ “xoay vần” nơi tâm hoài cho đến khi được hoàn toàn soi sáng mới chấm dứt. 

Tại sao lúc bình thường “rác của tâm” không khởi lên, mà chỉ khởi lên khi mình ngồi yên, hay khi ngủ? Không phải chúng không khởi, mà do thường ngày mình chú tâm làm cái này cái kia, nên chúng có khởi lên mình cũng không biết. Khi tham thì mình chỉ lo đạt được đối tượng của cái tham, khi sân mình chỉ chú tâm tới đối tượng làm mình sân. Mình bị cuốn vào các đối tượng bên ngoài nên bên trong tâm tham như thế nào, sân như thế nào mình không biết. Thế là mình cứ “lưu trữ rác” một cách vô thức ngày càng nhiều thêm, nhiều thêm. Rồi đến khi ngồi xuống mới thấy tâm không thể yên và thân cũng không thể yên.

Các duy nhất để dọn “rác của tâm” là luôn rõ biết mình trong mọi hoạt động, mức độ rõ biết càng trọn vẹn chừng nào thì “rác của tâm” càng bớt chừng đó. 

Người làm việc gì cũng trọn vẹn rõ biết thì chỉ cần ngồi và buông xuống một cái thì tâm liền yên hoàn toàn. Tâm như vậy gọi là “tịch tịnh” hay “tĩnh lặng”. Mà tâm tĩnh lặng thì sẽ trong & sáng, giống như mặt nước khi bụi bẩn đã hoàn toàn lắng xuống vậy. Đó chính là tâm (tánh biết) thanh tịnh trong sáng Bhavanga-citta mà Đức Phật dạy. 

Bình thường do vô minh nên mình không thấy được cái tâm thanh tịnh trong sáng ấy. Suốt ngày mình cứ khởi tâm tìm kiếm đối tượng bên ngoài, mà khi gặp đối tượng thì thế nào cũng một là sân, hai là tham, và cái tham-sân đó nó trở thành “rác” , trở thành “ô nhiễm” trói buộc & che mờ sự trong sáng vốn có sẵn của tâm, khiến tâm cứ tối dần đi. 

Hàng ngày mình luôn suy nghĩ & hành động với tham-sân như vậy, giờ khi ngồi thiền, mình lại cố làm cái này, làm cái nọ để mong đạt được mục tiêu này, mục tiêu kia, như vậy một lần nữa lại rơi vào tâm tham, khiến tâm đã bị che mờ lại càng thêm che mờ, đã bị trói buộc lại càng thêm trói buộc.

Vì vậy khi ngồi cần hoàn toàn buông xuống, lắng nghe lại toàn thân-tâm, để trả tâm lại với sự thanh tịnh trong sáng vốn có của nó. Dần dần sẽ cảm nhận được tâm cứ “lắng xuống, lắng xuống” và đến một lúc thì hoàn toàn “lặng yên”. 

Cái “yên” này không phải định của thiền định, nó cao hơn định của Sơ thiền – Nhị Thiền – Tam Thiền – Tứ thiền nhiều lắm. Định của Tứ Thiền Bát Định xuất phát từ việc phải tập trung vào một đối tượng, tức vẫn còn ý đồ muốn đạt được của bản ngã. Còn ở đây chỉ là hoàn toàn buông xuống và lắng nghe mọi sự như nó đang là, mà không có một ý đồ nào cả. 

Cứ lắng nghe như vậy, cho đến khi tâm không còn “rác” nữa, thì chỉ còn lại sự tịch tịnh của tâm…

– Thầy Viên Minh –

Nguồn : trích bài “Hướng dẫn thiền” trong khóa tu Xuất Gia Gieo Duyên Lần 1 – 2022

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Bình luận của bạn Câu hỏi của bạn

Đặt
Lịch
Khám
Contact Me on Zalo