Teen tự tử vì không có bạn chân thành

Cập nhật: 19/10/2016 Tác giả: TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health


Đối diện với những vấn đề bế tắc không thể chia sẻ với ai khiến nhiều teen chọn tự tử để kết thúc đời mình.

Có bao giờ bạn nhận được tin nhắn của người bạn với nội dung: “Tớ sẽ ổn” nhưng rồi ngay sáng hôm sau, người bạn ấy đã ra đi mãi mãi… Có bao giờ bạn thấy trên Facebook bạn của bạn để lại mẩu tin: “Có quá nhiều dự định chưa thực hiện được”, cứ tưởng chuyện đùa nhưng đó lại là lời trăng trối sau cùng… Có bao giờ không? Và bạn có cảm thấy tiếc nuối, đau đớn không?

Những câu chuyện đau hơn vết cắt

Đó là buổi chiều tối 20/3 khi bạn bè của Toản đều thấy dòng status trên Facebook : “Nhiều kế hoạch, nhiều dự định chắc không thực hiện được” rồi ngày hôm sau, mọi người nghe tin bạn ấy tự tử mà bàng hoàng. Trước đó, Toản cũng đã úp mở về việc mình sẽ tìm đến cái chết. Đám tang lặng lẽ, chỉ những gương mặt bạn bè, những dòng comment vô hồn trống rỗng trên Facebook. Thật khó có ai có thể hiểu được nỗi đau mà Toản đã chịu đựng trước khi quyết định. Giá mà có người chia sẻ với bạn ấy…

Nhưng đau đớn và ám ảnh với tớ hơn là câu chuyện của một chị gái. Tớ khâm phục chị là một cô gái bản lĩnh ở tỉnh xa lên Sài Gòn, lúc nào cũng về chuyến xe buýt trễ nhất trễ nhất từ Sài Gòn đến Thủ Đức. Chị lúc nào cũng dẫn đầu học hành và có thành tích HSG Quốc gia và đỗ cả đại học lớn ở TP HCM.

Đêm đó chị khóc trong điện thoại, nhưng tớ cũng chỉ qua quýt cho rằng chuyện ấy chẳng có gì, chỉ là câu chuyện xích mích tình cảm. Đêm ấy, trước khi ngủ tớ còn nhắn tin cho chị “Chị ổn chưa? Ngủ sớm nha! Đừng nghĩ nhiều”. Chị trả lời: “Chị sẽ ổn”. Tớ đi ngủ và sáng hôm sau, tớ suýt ngất đi khi nghe chị đã nhảy từ lầu 8 chung cư và chết trên đường đến bệnh viện. Tớ chỉ trân mình ngồi khóc và trách bản thân mình đêm qua sao không lắng nghe chị hơn chút nữa, sao không cố gắng chạy đến bên chị?

Bế tắc trong cuộc sống, nhiều teen tìm đến cái chết để giải thoát mình. Ảnh minh họa
Mẹ của chị khóc cạn nước mắt, ngất lên, ngất xuống khi tiễn chị đi. Suốt từ giờ đến cuối đời, tổ ấm chỉ có hai mẹ con chỉ còn một. Nhà neo người giờ lại còn buồn hơn. Từ lúc chị ấy ra đi đến giờ đã tròn 1 năm, bác gái không còn mỉm cười nữa.

Có hàng ngàn những câu chuyện teen tìm đến cái chết xé lòng vì cho rằng đó là cách duy nhất “giải thoát” đời mình. Hai bạn 16 tuổi ở Huế nhảy cầu khi không được gia đình đồng ý. Cô bạn áo trắng học trò ở Hà Nội uống thuốc trừ sâu tự vẫn khi bố mẹ trách móc kết quả học tập. Một cậu bạn ở Quảng Ngãi, học sinh trường chuyên có kết quả học tập không khả quan lắm cũng đã chọn cách ra đi vĩnh viễn…

Sự ám ảnh của cái chết tự tử

Chết do tự tử luôn là nỗi ám ảnh hơn mọi nguyên nhân gây ra cái chết khác như ốm đau, tai nạn… Bởi có gì bi kịch hơn tự mình giết bản thân mình? Bởi lẽ hầu hết những người thân, bạn bè đều cảm thấy có lỗi, như là chính mình đã bỏ rơi bạn ấy. Chính tớ đã trách bản thân một thời gian rất dài. Tớ dằn vặt bản thân tại sao không phải là người ở bên cạnh, động viên và giúp chị vượt qua những vết thương tâm lý? Tại sao tớ lại vô tâm đến vậy?

Mẹ của chị ấy gặp tớ lần nào cũng chỉ nói một câu: “Dù không bị kết án nhưng bác luôn khoác lên mình cái án giết người mà không bị xét xử. Chỉ có nỗi lòng của bác…” rồi bật khóc. Càng yêu thương bạn ấy chúng ta càng ám ảnh và càng cảm thấy ray rứt về những nỗi đau của sự mất mát, của nuối tiếc, của giá như.

Tớ nhớ đến câu nói trên Facebook: “Bạn có biết ngày nào bạn khóc mà mẹ bạn mỉm cười không? Đó là ngày bạn sinh ra. Nhưng với ngày bạn bước đi, cả thế giới này đóng lại với chính người mẹ của mình”.


Đừng để bạn chúng ta cô đơn một mình. Ảnh minh họa
Đừng để một ai cô đơn

Trong bộ phim Amphetamine (2011) của đạo diễn Scub, một cậu bạn tên Kafkap đã nhảy xuống chính nơi mà cậu ấy với người yêu từng hen hò để tự sát và tưởng tượng người yêu cũng ở ngay bên cạnh mình. Với những người bạn đang gặp khó khăn hay trục trặc trong cuộc sống thì chỉ một khoảnh khắc cô đơn, yếu lòng cũng dễ dàng khiến họ rời xa chúng ta mãi mãi.

Koshi (15 tuổi, Nhật Bản) cho biết ở Nhật Bản các teen có một đường dâynóng cung cấp cho cảnh sát khi cảm giác bạn mình sắp tự tử và cảnh sát có thể sẽ điều ngay một chuyên viên tâm lý giúp bạn. Ở Trung Quốc, tất cả học sinh được học môn vượt qua những áp lực như việc thất tình, bị kiểm điểm giúp các teen biết cách xoay sở trong mọi tình huống. Còn ở Nga, tỉ lệ của bạo hành và tự tử khá cao đến mức có một đường dây nóng để khi một teen nào đó gọi đến trong bế tắc thì nhân viên định vị bạn và đến ngay lập tức. Ở các nước phương Tây, teen được dạy hẳn một môn Tâm lý học trước khi hết phổ thông. Còn ở Việt Nam, nhiều phòng Tâm lý đã được dựng nên ngay trong trường học để sẵn sàng lắng nghe teen nói và hi vọng trong tương lai mô hình này sẽ được phủ sóng rộng khắp.

Tớ nhớ một câu chuyện, có một chú gấu và một chú hà mã trên đồi. Chú hà mã đang cố bám vào vì sắp sửa bị rơi xuống vực, chú gấu kéo mãi mà không kéo bạn lên được nên quyết định đặt một tảng đá to lên người bạn mình. Câu chuyện hài hước kết thúc bằng lời nhận xét: Không cứu được bạn mình cũng sẽ nghĩ đủ mọi cách để bạn mình không bị rơi.

Tớ nghĩ trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, dù có cứu được bạn hay không, ta cũng hãy tìm mọi cách để bạn mình đừng rơi. Đừng bao giờ để ai đó cô đơn. Đừng vô tâm với nỗi đau của bạn mình. Đừng hời hợt trước một tin nhắn “tớ buồn quá”, “tớ chán đời lắm” và quẳng lại bạn mình một tin nhắn vô thưởng vô phạt: “Kệ đi, vui lên đi”.


Tìm đến với những người bạn thân, tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp bạn thêm yêu cuộc sống.
Một buổi tối thứ 7, tớ nhận được tin nhắn từ một người bạn: “Tự dưng muốn khóc quá Toàn ơi!”. Khi ấy dù đang đi với người yêu tớ cũng xin phép về trước và đến ngay với bạn của mình. Cả một buổi tối, tớ làm bờ vai để bạn ấy tựa vào khóc, làm một chiếc khăn giấy để lau nước mắt, thậm chí tớ làm luôn cả vai trò của một người thân, ôm bạn ấy vào lòng và vỗ về. Những ngày sau đó, tớ cố gắng làm mọi cách để bạn ấy vui lên, không còn cảm thấy cô đơn trơ trọi trên đời nữa.

Tớ làm thế vì tớ thật sự yêu quý bạn của mình, cũng một phần tớ bị ám ảnh sâu sắc câu chuyện chị bạn tự tử cách đây một năm. Tớ thà cố gắng hết sức rồi mọi chuyện đến đâu thì đến chứ không bao giờ buông tay nữa. Bạn của tớ, cuối cùng cũng quên đi mối tình đau khổ kia và vui sống trở lại.

Tất cả chúng ta ai cũng cần có bạn. Khi chúng ta đau khổ, nếu không thể nói với người thân cũng sẽ tìm đến bạn. Hãy hứa với bản thân mình, đừng để một người bạn nào chịu đựng nỗi đau trong cô đơn, được không?

Bác sĩ Trà Anh Duy ( Bệnh viện Bình Dân TP HCM): Teen nên tích cực tham gia hoạt động xã hội

Trên thế giới, 1 trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở lứa tuối 15 đến 19 là tự tử. Ý nghĩ tự tử trở nên bất thường ở tuổi vị thành niên khi họ nhận thức dường như đó là cách duy nhất thoát khỏi những khó khăn. Lúc đó, nếu không được sự hỗ trợ từ nhiều phía thì khả năng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Hoạt động phòng chống tự tử ở tuổi vị thành niên cần có sự phối hợp quan trọng nhất là từ trường học, gia đình, các bác sĩ và nhà tâm lý và kể cả những tổ chức cộng đồng. Về phía gia đình, nên tạo mối quan hệ khăng khít, luôn có sự trợ giúp lẫn nhau giữa các thành viên. Quan trọng là bậc phụ huynh nên biết lắng nghe những suy nghĩ của các em, tìm cách hỗ trợ các em trong việc giải quyết những khó khăn, buồn phiền. Về phía nhà trường, các giáo viên và các cán bộ xã hội cũng cần có sự quan sát và tìm hiểu những dấu hiệu bắt đầu bất ổn tâm lý ở học sinh như: học hành sa sút, không tiếp xúc với các bạn… Từ đó, người lớn gần gũi và hỗ trợ các em tìm ra hướng giải quyết vấn đề.

Về phía các bạn tuổi vị thành niên, các bạn nên tích cực tham gia các hoạt động tập thể như thể thao giải trí, hội trại… để trau dồi thêm các kỹ năng xã hội. Khi tiếp xúc nhiều, các bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn, có thêm nhiều mối quan hệ bạn bè, dễ dàng hòa nhập và thể hiện suy nghĩ, khả năng của mình. Khi gặp khó khăn, các bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ ban bè, giáo viên, gia đình và hãy thẳng thắn nói ra những suy nghĩ, những bế tắc mà mình đang phải đối mặt. Những người xung quanh luôn yêu quý các bạn và sẽ luôn đồng hành cùng bạn để giải quyết vấn đề.

Đu Tô

( Theo http://ione.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/tips/teen-tu-tu-vi-khong-co-ban-chan-thanh-2494024.html )


Đặt
Lịch
Khám
Contact Me on Zalo