Tiểu đêm ở Nam giới mắc Bàng quang tăng hoạt (OAB) như thế nào?

Cập nhật: 25/10/2023 Tác giả: TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health


Theo ICS, tiểu đêm là một trong những triệu chứng thường gặp ở người bệnh OAB, và cũng là triệu chứng gây nên những khó chịu cho người bệnh, gây ảnh hưởng đến cuộc sống. 

Theo các kết quả nghiên cứu thì OAB là một yếu tố nguy cơ chính ở cả nam lẫn nữ giới có tiểu đêm, tuy nhiên ngược lại, trên thưc tế chỉ có khoảng 1/3 bệnh nhân tiểu đêm có OAB. Theo nghiên cứu của Tikkinen (Phần Lan) trên 6000 người, thì 1/3 số người bệnh bị tiểu đêm ít nhất hai lần một đêm bị chứng OAB, và ngược lại, có đến 56% nam giới bị OAB có tiểu đêm. Hơn nữa, có một mối quan hệ trực tiếp giữa số lượng tiểu đêm và tần suất mắc OAB (p<0,001). Tiểu đêm và OAB tăng theo tuổi (p<0,001) và mối quan hệ này tiếp tục tồn tại giữa các nhóm tuổi. 

Một số nghiên cứu cho thấy thuốc điều trị OAB ít có hiệu quả làm giảm số lần tiểu đêm, từ đó đưa ra những bằng chứng gián tiếp cho thấy OAB có vai trò tương đối nhỏ trong trong việc gây ra tiểu đêm. 

Tiểu đêm có thể được xem là bình thường ở người khỏe mạnh không có triệu chứng tiết niệu khác. Tuy nhiên, khi xuất hiện ở những người bệnh OAB thậm chí ở dạng 1 lần trong đêm thì 19% nam giới cho thấy cảm giác rất khó chịu. Tỷ lệ bệnh nhân OAB khó chịu do tiểu đêm tăng khi bệnh nhân thức dậy hai hoặc nhiều lần vào ban đêm đi tiểu. 

Rối loạn chức năng đường tiểu dưới tác động đến chức năng trữ nước tiểu và dẫn đến tiểu đêm. Phì đại lành tính tuyến tiền liệt cũng liên quan với tiểu đêm. Tuy nhiên, sự kết hợp này có thể liên quan đến tuổi. Phì đại lành tính tuyến tiền liệt có thể ảnh hưởng đến chức năng chứa đựng của bàng quang vào ban đêm do tống xuất nước tiểu kém, dẫn đến thể tích nước tiểu tồn lưu tăng lên. Tăng hoạt cơ chóp cũng có thể xảy ra do tắc nghẽn đường tiểu dưới như là một hệ quả của BPH. Trước đây, nhiều người cho rằng tiểu đêm là hậu quả chủ yếu của Phì đại lành tính tuyến tiền liệt, tuy nhiên phẫu thuật giải quyết tắc nghẽn do Phì đại lành tính tuyến tiền liệt lại không giải quyết được tiểu đêm, cho nên người ta cho rằng còn có yếu tố khác liên quan đến. 

Ở nam giới đi tiểu chậm, dòng tiểu yếu và cảm giác đi tiểu không hết là các triệu chứng thường gặp, tuy nhiên tiểu đêm là lý do phổ biến nhất làm cho họ chú ý đến các triệu chứng. Tắt nghẽn đường tiểu dưới có thể được đi kèm với sự gia tăng số lần đi tiểu và tiểu đêm, một phần vì sự tăng hoạt động cơ chóp do tắc nghẽn và một phần là do lớn tuổi. Trong trường hợp bí tiểu mạn, thể tích nước tiểu tồn lưu rất lớn (>300ml), do đó tần số và tiểu đêm là kết quả từ sự suy giảm khả năng bàng quang chức năng. 

Ở người bệnh lớn tuổi, thường có một sự kết hợp của các triệu chứng của OAB và khó tiểu. Nghiên cứu niệu động học cho thấy sự hiện diện của tăng hoạt hoặc dãn co bóp cơ chóp và thường có tăng đáng kể nước tiểu tồn lưu. 

Nhìn chung, từ các nghiên cứu được trích dẫn ở trên, chúng ta có thể đưa ra một số nhận định rằng nam giới mắ OAB và tiểu đêm có liên quan rõ ràng, mặc dù mối quan hệ không phải là hỗ tương: hầu hết người bệnh bị tiểu đêm không có OAB, trong khi nhiều người bệnh OAB không có tiểu đêm. Người ta cũng nhận thấy, OAB có thể đóng một vai trò tương đối nhỏ trong căn nguyên của tiểu đêm. Nam giới một khi bị mắc đồng thời 2 bệnh lý này cần được đến Bác sĩ Tiết niệu – Nam khoa đánh giá chính xác và điều trị hợp lý. 

TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Bình luận của bạn Câu hỏi của bạn

Đặt
Lịch
Khám
Contact Me on Zalo