ĐỪNG NÁO ĐỘNG VÌ CORONA, HÃY TIN Ở CHÚNG TÔI!

Cập nhật: 06/02/2020 Tác giả: TS.BS.CKII. TRÀ ANH DUY

Trung tâm Sức khoẻ Nam Giới Men's Health


Tôi còn nhớ năm 2003, lúc tôi còn là một sinh viên năm 3 ở Đại học Y Dược TP. HCM, chúng ta đã một lần đương đầu với đại dịch SARS toàn cầu. Dịch SARS khi đó đã lan ra 29 quốc gia, làm hơn 8.000 người nhiễm bệnh và gần 800 người tử vong. Lúc đó, mạng Internet và mạng xã hội chưa phổ biến như bây giờ. Những sinh viên trường Y mong đến giờ lên lớp để cập nhật thông tin từ thầy cô, tiền bối và bạn bè.

Để ngóng thông tin và nắm tình hình, những người dân nôn chờ nhật báo mỗi sáng sớm, canh giờ để theo dõi thời sự VTV, bản tin Bộ Y Tế… Trong những cuộc họp gia đình, gặp gỡ bạn bè, họ chuyền tay nhau những trang báo được cấp phép, truyền tai cho nhau nghe những con số mà họ nghe được từ bản tin thời sự quốc gia.

Bộ Y tế Việt Nam lập bảng so sánh giữa dịch SARS-CoV năm 2003 và nCoV năm 2020 – Ảnh: BỘ Y TẾ

Theo lẽ đương nhiên, những tin tức về dịch bệnh khi đó, không được cập nhật kịp thời hay lan truyền nhanh chóng, dễ dàng như bây giờ. Nhưng đa phần các thông tin khi đó đều được kiểm duyệt xác đáng từ nguồn tin cậy, nên cơn hoang mang của dân chúng có phần dễ kiểm soát hơn lúc này.

Và cơn hoang mang qua đi khi Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế Giới #WHO công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS, sau 45 ngày kể từ ca SARS đầu tiên. Đương nhiên, Việt Nam chúng ta không thể làm được điều đó nếu thiếu sự cống hiến, hi sinh và nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y-bác sĩ, chuyên gia ngành Y tế.

17 năm sau, chúng ta một lần nữa hoang mang trước đại dịch. Những ngày này, thông tin về dịch #Corona tràn ngập các mặt báo, mạng xã hội, chỉ cần mở điện thoại là thấy hằng hà sa số. Trong cơn bão thông tin đó, có tin thật, có tin giả, có tin “ba xạo” nhằm kiếm drama, câu like, câu share. Mà theo tôi theo dõi những ngày gần đây, tin tức càng ba xạo, càng bi kịch hoá, càng làm quá thì càng được bàn tán, xôn xao dư luận nhiều hơn.

Virus Corona (nCoV) gây viêm phổi cấp hiện nay đang có diễn biến phức tạp và chưa có thuốc đặc trị

Nếu bình tĩnh nhìn lại, sẽ thấy Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng đã chủ động vào cuộc rất kịp thời. Thủ Tướng đã chỉ đạo quyết liệt dập dịch, trước khi WHO tuyên bố “tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu”. Và những người thầy của tôi, những đồng nghiệp của tôi cũng đang ngày đêm phải gồng mình nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn để ra sức chống dịch.

Với tư cách một bác sĩ, một chuyên gia sức khoẻ có thâm niên hơn 13 năm trong ngành, tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào năng lực phòng chống dịch của đội ngũ y bác sĩ tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Sự phản ứng nhanh nhạy, tinh thần quyết liệt của hệ thống y tế và các đơn vị xã hội trong những ngày qua chính là những bằng chứng thiết thực nhất cho niềm tin này.

Nếu nhìn lại lịch sử 50 năm qua, càng ngày chúng ta càng phải đương đầu với những dịch bệnh mới. Và trong tương lai, các chuyên gia đã nhận định rằng rồi con người sẽ phải chấp nhận và sống chung với các dịch bệnh như một phần của tương lai. Điều chúng ta cần làm lúc này, không phải là hoang mang, sợ hãi quá độ, mà là “chủ động thừa nhận”, và tăng cường sức khoẻ, chống dịch một cách chủ động hơn.

Ngoài những náo động, xáo trộn đã quá rõ ràng mà Corona mang đến, có lẽ tôi không cần phải nhắc lại. Tôi vẫn cho rằng hiện tượng Corona vẫn có những ảnh hưởng tích cực nhất định: nhắc chúng ta nhìn lại lối sống, điều chỉnh hành vi và thói quen vệ sinh của mình. Bộ Y tế, Chính phủ và các cơ quan ban ngành cũng có thể nhìn lại về công tác dự phòng, đo hiệu quả của công tác truyền thông chống dịch để tìm cách đổi mới, tìm những cách làm sáng tạo hơn trước những diễn biến ngày càng phức tạp.

ThS. BS. Trà Anh Duy

Thẻ:

Đặt
Lịch
Khám
Contact Me on Zalo